KỶ NIỆM 75 NĂM NGÀY TỔNG TUYỂN CỬ ĐẦU TIÊN BẦU QUỐC HỘI VIỆT NAM (6/01/1946 - 6/01/2021)
05/01/2021
Cỡ chữ: A- A+
In bài viết
1. “Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam kế thừa đổi mới và phát triển”

Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ngày 06/01/1946 đã đi vào lịch sử dân tộc ta như một mốc son chói lọi, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ, mở ra một thời kỳ phát triển mới về thể chế chính trị ở Việt Nam. Thắng lợi của cuộc tổng tuyển cử cũng đánh dấu sự ra đời của Quốc hội Việt Nam, một thiết chế dân chủ, thiết chế trụ cột trong Nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.
Được hình thành và phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, tiếp tục đổi mới, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả và thực chất; ngày càng khẳng định vững chắc vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Cuốn sách gồm 5 chương:
- Chương I: Kế thừa, đổi mới và phát triển về tổ chức Quốc hội.
- Chương II: Kế thừa, đổi mới và phát triển trong hoạt động lập hiến, lập pháp.
- Chương III: Kế thừa, đổi mới và phát triển trong hoạt động quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
- Chương IV: Kế thừa, đổi mới và phát triển trong hoạt động giám sát.
- Chương V: Kế thừa, đổi mới và phát triển trong hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế.
Mỗi chương khái lược những kết quả quan trọng của 13 nhiệm kỳ Quốc hội Việt Nam và những hoạt động đang được tiếp tục kế thừa ở Quốc hội khóa XIV, nêu lên bài học kinh nghiệm và những vấn đề còn bỏ ngỏ để Quốc hội khóa tiếp theo tiếp tục đổi mới, phát triển, hoàn thiện.
Cuốn sách “Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam kế thừa đổi mới và phát triển” do nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật xuất bản năm 2016 với 576 trang hiện đang được phục vụ tại phòng Đọc của Thư viện Hà Nội.
2. “Quốc hội khóa I (1946)”

Cuộc họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau ngày độc lập tại Bắc Bộ phủ (03/9/1945) đã mở đầu quá trình chuẩn bị cho cuộc phổ thông đầu phiếu gấp rút được thực hiện trong khoảng thời gian gần 4 tháng. Đó cũng là lần đầu tiên trong lịch sử hàng ngàn năm trên đất nước vừa hồi sinh “Hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử, hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó” - Báo Cứu quốc số 130, ra ngày 31/12/1945.
Từ cuộc Tổng tuyển cử ngày 06/01/1946, Quốc hội - cơ quan quyền lực cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra đời, đánh dấu bước nhảy vọt về thể chế dân chủ của nước Việt Nam mới. Trong diễn văn khai mạc Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc rút rằng: “Cuộc Quốc dân đại biểu đại hội này là lần đầu tiên trong lịch sử của nước Việt Nam ta. Nó là một kết quả của cuộc Tổng tuyển cử ngày 6 tháng 01 năm 1946, mà cuộc Tổng tuyển cử lại là kết quả của sự hi sinh, tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta, sự đoàn kết của toàn thể đồng bào không kể già trẻ, lớn bé, gồm tất cả các tôn giáo, tất cả dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối hi sinh không sợ nguy hiểm tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc”.
Ngày 6/01/1946 - ngày khai mở cho lịch sử lập hiến nước Việt Nam độc lập, tự do vẫn mãi lắng sâu trong ký ức dân tộc. Những thế hệ người Việt Nam mãi lưu giữ hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh - người đứng đầu Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam mới, người lĩnh trách nhiệm cao nhất trong việc đề xướng và chỉ đạo tổ chức cuộc Tổng tuyển cử lịch sử của dân tộc ta.
Bộ sách gồm 3 tập, mỗi tập ghi lại những câu chuyện khó quên về ngày bầu cử đầu tiên:
- Tập 1: Chuyện về ngày bầu cử.
- Tập 2: Chuyện về kỳ họp thứ nhất.
- Tập 3: Chuyện về các đại biểu nhân dân.
Bộ sách “Quốc hội khóa I (1946)” do nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản từ năm 2016 đến năm 2017 hiện đang được phục vụ tại phòng Đọc và phòng Mượn của Thư viện Hà Nội.
