KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY NAM KỲ KHỞI NGHĨA (23/11/1940 - 23/11/2020)
20/11/2020
Cỡ chữ: A- A+
In bài viết
1. Khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 bản tráng ca sống mãi
.jpg)
Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 do Xứ ủy Nam Kỳ phát động và lãnh đạo sự kiện chói lọi bùng lên ngay khi phong trào cách mạng của nước ta bước vào thời kỳ mới, thời kỳ Đảng ta có sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng, do Hội nghị Trung ương 6 (Khóa I), tháng 11- 1939 đề ra.
Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ phất cao ngọn cờ đỏ sao vàng, làm rung chuyển hệ thống chính quyền thống trị của thực dân Pháp và bọn phong kiến tay sai, làm tan rã bộ máy cai trị của địch ở một số vùng nông thôn, thị trấn ở Nam Kỳ và lập chính quyền tự quản ở những nơi này.
Cuộc khởi nghĩa là sự thể hiện tinh thần thống nhất cao ý chí và hành động của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, tinh thần quật khởi, sẵn sàng chống đế quốc, phong kiến tay sai, không sợ hy sinh, vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Cùng với khởi nghĩa Bắc Sơn và Đô Lương, Khởi nghĩa Nam Kỳ là tiếng súng báo hiệu và sự tập dượt cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thành công trên cả nước tháng Tám năm 1945.
Cuốn sách gồm ba phần:
- Phần I : Đường tới khởi nghĩa, gồm các bài viết như: Tình hình cách mạng Đông Dương trước Khởi nghĩa Nam Kỳ (Lê Chính); Sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng trong những năm 1939 - 1940 (Phạm Văn Phương); Những tác nhân trực tiếp dẫn đến sự bùng nổ cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ (Trần Thuận)…
- Phần II : Nam Kỳ khởi nghĩa (gồm có khởi nghĩa ở: Gia Định, An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hòn Khoai, Bến Tre, Thủ Dầu Một, Cần Thơ, Biên Hòa, Sa Đéc, Rạch Giá - Hà Tiên, Chợ Lớn và Tân An, Sóc Trăng,… Trà Vinh, Vĩnh Long).
- Phần III : Bản tráng ca sống mãi, gồm các bài viết như: Nhớ lại Nam Kỳ khởi nghĩa (Trường Chinh); Nam Kỳ Khởi nghĩa, sự kiện lịch sử còn vang mãi (Trần Văn Giàu kể); Suy xét lại một vài quan điểm về Nam Kỳ Khởi nghĩa (Mạc Đường)…
Với hơn 500 trang sách, nội dung cuốn sách tập hợp những bài nghiên cứu, tiếp cận cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ từ nhiều góc độ khác nhau, cung cấp cho người đọc cái nhìn đa chiều về sự kiện lịch sử quan trọng này.
Cuốn sách “Khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940 bản tráng ca sống mãi” do nhà xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản năm 2010 với 543 trang hiện đang được phục vụ tại phòng Đọc của Thư viện Hà Nội.
2. Phong trào dân tộc dân chủ ở Nam Kỳ 1930 - 1945 nghiên cứu qua tài liệu lưu trữ
.jpg)
Trong sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ ở Việt Nam (1930 - 1975), giai đoạn 1930 - 1945 có vị trí đặc biệt quan trọng. Đây là giai đoạn đầu tiên cách mạng Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản sau một thời gian dài bế tắc và khủng hoảng về đường lối cứu nước. Đây cũng là giai đoạn phong trào dân tộc dân chủ Việt Nam phát triển mạnh, đặc biệt là ở Nam Kỳ, nơi phong trào diễn ra rất sôi động, độc đáo dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương mà cụ thể là Xứ ủy Nam Kỳ.
Từ trước đến nay, có nhiều công trình nghiên cứu về giai đoạn cách mạng này, nhưng chưa có công trình nghiên cứu nào về phong trào dân tộc dân chủ ở Nam Kỳ giai đoạn 1930 - 1945 dựa trên nền cốt chủ yếu là tư liệu của chính quyền thực dân Pháp ban hành trong những năm 1930 - 1945 hiện đang bảo quản tại các kho lưu trữ. Đây chính là hướng nghiên cứu mới của cuốn sách “Phong trào dân tộc dân chủ ở Nam Kỳ 1930 - 1945 nghiên cứu qua tài liệu lưu trữ” do TS. Phạm Thị Huệ biên soạn. Phần lớn các tài liệu đưa vào cuốn sách này là tư liệu lần đầu tiên được công bố.
Cuốn sách gồm ba chương:
- Chương một: Phong trào dân tộc dân chủ ở Nam Kỳ giai đoạn 1930 - 1935.
- Chương hai: Cuộc vận động dân chủ ở Nam Kỳ giai đoạn 1936 - 1939.
- Chương ba: Cuộc vận động giải phóng dân tộc ở Nam Kỳ giai đoạn 1939 - 1945.
Cuốn sách “Phong trào dân tộc dân chủ ở Nam Kỳ 1930 – 1945 nghiên cứu qua tài liệu lưu trữ” do nhà xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản năm 2018 với 483 trang hiện đang được phục vụ tại phòng Đọc của Thư viện Hà Nội.