PHẦN 1: THĂNG LONG - HÀ NỘI NHỮNG TRANG SỬ HÀO HÙNG
14/10/2020
Cỡ chữ: A- A+
In bài viết
1. Lịch sử Thăng Long - Hà Nội

Cuốn sách “Lịch sử Thăng Long - Hà Nội” do GS. NGND Phan Huy Lê cùng đội ngũ các nhà nghiên cứu, nhà khoa học biên soạn đã dựng lên một bức tranh toàn diện và sinh động về lịch sử hào hùng nhưng cũng không ít thăng trầm của Thăng Long - Hà Nội.
Cuốn sách không chỉ giới hạn trong nghìn năm lịch sử Thăng Long - Hà Nội mà còn ngược về thời tiền Thăng Long trước đó, từ khi con người xuất hiện trên không gian địa lý này gắn liền với quá trình thành tạo của vùng đất Hà Nội.
Bộ sách gồm 2 tập với 6 phần, 28 chương, gồm:
- Phần thứ nhất: Hà Nội thời tiền Thăng Long.
- Phần thứ hai: Thăng Long thế kỷ XI đến thế kỷ XV.
- Phần thứ ba: Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVI đến giữa thế kỷ XIX.
- Phần thứ tư: Hà Nội từ 1873 đến 1945.
- Phần thứ năm: Hà Nội từ sau Cách mạng Tháng Tám đến giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (1945 - 1975).
- Phần thứ sáu: Hà Nội trên đường đổi mới và hội nhập quốc tế (1975 - 2005).
Bộ sách giúp người đọc hiểu được giá trị lịch sử, những di sản văn hóa vô giá, những anh hùng dân tộc, những con người tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội. Đây là vùng đất của nghìn năm văn hiến, hội tụ và chắt lọc, kết tinh những giá trị của văn hóa dân tộc và từ đây tỏa sáng ra cả nước.
2. Biên niên lịch sử Thăng Long - Hà Nội

Trải qua hơn 1.000 năm lịch sử, Thăng Long - Hà Nội đã viết lên những khúc ca vừa hào hùng, vừa bi tráng. Cuốn sách “Biên niên lịch sử Thăng Long - Hà Nội” được biên soạn phần nào phục dựng lại từng bước đi của Thăng Long - Hà Nội trong suốt những dặm dài lịch sử.
Cuốn sách được chia thành 4 phần lớn theo các thời kỳ lịch sử:
- Phần 1: Hà Nội trước định đô.
- Phần 2: Hà Nội trong kỷ nguyên độc lập.
- Phần 3: Hà Nội thời Pháp thuộc (1873 - 1945).
- Phần 4: Hà Nội từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến trước tháng 8 - 2008.
Nội dung của 4 phần trên bao gồm gần 3.000 sự kiện lịch sử của Thăng Long - Hà Nội, bắt đầu từ khi con người xuất hiện trên vùng đất cổ xưa này cho đến trước khi quyết định mở rộng địa giới hành chính có hiệu lực (ngày 01/8/2008). Các sự kiện được trình bày theo một quy định thống nhất gồm: niên đại, tên sự kiện, nội dung sự kiện và nguồn trích dẫn. Các sự kiện được lựa chọn đều đảm bảo tuân thủ những tiêu chí hết sức chặt chẽ, đó là những sự kiện tiêu biểu, nổi bật, mang tính chất sự kiện mốc trong từng giai đoạn lịch sử của Thăng Long - Hà Nội.
Cuốn sách đã xây dựng lại một bức tranh lịch sử của Thăng Long suốt chiều dài 1.000 năm tương đối toàn diện, khái quát giúp người đọc tiếp cận với lịch sử một cách cơ bản nhất, dễ hiểu nhất, dễ nhớ nhất.
3. Thăng Long - Hà Nội những trang sử vẻ vang chống ngoại xâm

Trong chiều dài lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc, Thủ đô Hà Nội đã trải qua biết bao biến cố thăng trầm lịch sử. Song quân và dân Thăng Long - Hà Nội luôn phát huy truyền thống anh hùng, cùng quân và dân cả nước viết nên những trang sử vẻ vang cho lịch sử Thủ đô và đất nước.
Cuốn sách “Thăng Long - Hà Nội những trang sử vẻ vang chống ngoại xâm” do Lê Đình Sỹ chủ biên, Nxb. Hà Nội phát hành năm 2010, gồm 588 trang ghi chép một cách đầy đủ, hệ thống những sự kiện lịch sử oanh liệt của quân và dân Thủ đô trong sự nghiệp chiến đấu, bảo vệ, giải phóng mảnh đất có bề dày lịch sử ngàn năm tuổi này. Từ đó rút ra những vấn đề có tính quy luật trong lĩnh vực quân sự, những bài học lịch sử về xây dựng quốc phòng, tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo kháng chiến, bảo vệ và giải phóng Thủ đô.
Sách gồm 9 chương:
- Chương I: Thăng Long - Hà Nội: giai đoạn tiền Thăng Long (trước thế kỷ XI).
- Chương II: Thăng Long cùng cả nước đánh tan quân Tống xâm lược (thế kỷ XI).
- Chương III: Những chiến công của quân dân Thăng Long trong ba lần kháng chiến chống Mông - Nguyên.
- Chương IV: Kháng chiến chống quân Minh xâm lược - Cuộc chiến đấu bảo vệ và giải phóng Thăng Long - Đông Đô đầu thế kỷ XV.
- Chương V: Nhân dân Thăng Long cùng nghĩa quân Tây Sơn đánh tan quân xâm lược Thanh (Thế kỷ XVIII).
- Chương VI: Hà Nội chống Thực dân Pháp xâm lược cuối thế kỷ XIX.
- Chương VII: Hà Nội với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XX. Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội (1945).
- Chương VIII: Thủ đô Hà Nội trong cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954).
- Chương IX: Hà Nội kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
4. Lịch sử Thăng Long - Hà Nội

Với tầm nhìn sâu rộng, vua Lý Thái Tổ đã nhìn ra những điều kiện thuận lợi cho việc quy hoạch một đô thị phát triển của vùng đất Thăng Long. Sau khi kinh đô được định ra ở Thăng Long, vùng đất này đã tỏ rõ là một đô thành lớn nhất Việt Nam thời đó và có một cốt cách văn hóa riêng biệt, độc đáo.
Cuốn sách “Lịch sử Thăng Long - Hà Nội” do Nguyễn Vinh Phúc chủ biên; Lê Văn Lan, Nguyễn Minh Tường biên soạn, Nxb. Thời đại phát hành năm 2010, gồm 478 trang sẽ cung cấp những kiến thức cơ bản về lịch sử vùng đất kinh kỳ ngàn năm tuổi, tóm tắt quá trình mười thế kỷ tạo dựng nên Thăng Long - Hà Nội với những sự kiện lịch sử chính, việc xây dựng Hoàng thành và kinh thành, đời sống xã hội, những gương mặt tiêu biểu của từng thời kỳ.
Sách gồm 4 phần:
- Phần mở đầu: Kinh sư muôn đời.
- Phần 1: Hà Nội thời tiền Thăng Long.
- Phần 2: Thăng Long, Hà Nội thời trung đại.
- Phần 3: Hà Nội cận đại và hiện đại.
5. Thăng Long - Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử

Thăng Long - Hà Nội không chỉ là Thủ đô, là trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tể của Việt Nam mà còn là vùng đất có truyền thống lịch sử văn hoá phong phú và đặc sắc của dân tộc trong nhiều giai đoạn lịch sử.
Cuốn sách giới thiệu lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử của bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước. Kể từ khi vùng đất này mang tên Long Đỗ, trải qua các triều đại phong kiến phát triển thịnh - suy cho đến lịch sử giành độc lập dân tộc thời đại Hồ Chí Minh, đưa đất nước lên đỉnh cao thời đại.
Cuốn sách được chia làm 11 phần với nội dung:
- Phần một: Thủa đất nước buổi bình minh.
- Phần hai: Thủa những vì sao lấp lánh trong đêm dài nô lệ.
- Phần ba: Khi đất nước vùng lên khôi phục tự chủ và trong buổi đầu non sông giành lại độc lập.
- Phần bốn: Thời Lý lập Thăng Long đưa thế nước lên cao.
- Phần năm: Thời Trần thịnh trị và chói lọi chiến công.
- Phần sáu: Thời Hồ và giai đoạn ngắn non sông thất thế.
- Phần bảy: Thời Lê khởi nghiệp huy hoàng, đỉnh cao thịnh trị.
- Phần tám: Thời Mạc, thời Lê - Trịnh - những năm dài các triều đại phân tranh.
- Phần chín: Thời Tây Sơn, thời đại của người anh hùng áo vải vĩ đại.
- Phần mười: Nhà Nguyễn, giai đoạn suy tàn của chế độ phong kiến.
- Phần mười một: Những năm tháng vùng lên chặt bỏ xích xiềng, giành độc lập dân tộc, đưa đất nước lên đỉnh cao thời đại.
6. Thăng Long - Hà Nội một nghìn sự kiện lịch sử

“Thăng Long - Hà Nội một nghìn sự kiện lịch sử” do tác giả Vũ Văn Quân chủ biên nhằm phác họa tiến trình lịch sử của Thủ đô dưới hình thức biên niên. Cuốn sách được biên soạn trên cơ sở khai thác các nguồn sử liệu gốc, đảm bảo tính chính xác của các dữ kiện lịch sử và được cân nhắc lựa chọn để đảm bảo tính tiêu biểu, toàn diện và cân đối cho từng thời kỳ, từng giai đoạn.
Cuốn sách được chia thành 4 phần:
- Phần một: Hà Nội trước định đô.
- Phần hai: Hà Nội trong kỷ nguyên độc lập.
- Phần ba: Hà Nội trong thời kỳ cận đại.
- Phần bốn: Hà Nội từ 1945 đến nay.
“Thăng Long - Hà Nội một nghìn sự kiện lịch sử” giúp người đọc tìm hiểu về những sự kiện nổi bật, đưa tới một cái nhìn tổng thể về tiến trình phát triển của lịch sử và văn hóa trên mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến.
7. Một số tư liệu quý về Hà Nội

“Một số tư liệu quý về Hà Nội” là tập hợp 22 tiểu luận của các nhà nghiên cứu người Pháp như George Azambre, André Masson, Paul Boudet, Claude Bourrin… viết về nhiều lĩnh vực khác nhau của Hà Nội từ lịch sử, địa lý, phong tục, tín ngưỡng, đến giáo dục, kiến trúc, giao thông Hà Nội… Bên cạnh đó, một số tư liệu ảnh có tuổi đời gần 1 thế kỷ cũng được giới thiệu, minh họa trực quan diện mạo đa dạng của Hà Nội từ những năm 1954 trở về trước.
Ngoài ra, sách có thêm 6 phần phụ lục:
- Phụ lục 1: Sơ đồ các di tích lịch sử của Montelambert và Bản đồ các công trình xây dựng thời thuộc địa.
- Phụ lục 2: Bảng đối chiếu địa danh.
- Phụ lục 3: Tên mới của các phố Hà Nội từ ngày 28 - 2 - 1951.
- Phụ lục 4: Tiền tệ thời thuộc địa.
- Phụ lục 5: Tên gọi của Hà Nội qua các thời kì.
- Phụ lục 6: Niên biểu lịch sử Hà Nội đối chiếu với lịch sử Việt Nam.
“Một số tư liệu quý về Hà Nội” cung cấp những tư liệu xác thực đồng thời là một cuốn cẩm nang tra cứu giúp bạn đọc hiểu thêm về một thời đã qua của đất Kẻ Chợ - Kinh kỳ.
8. Vương triều Lý - Trần với kinh đô Thăng Long

Năm 1010, vua Lý Thái Tổ quyết định rời đô từ Hoa Lư ra vùng đất Hà Nội ngày nay, đặt tên là thành Thăng Long. Trải qua hai triều đại Lý - Trần, vùng đất Thăng Long không ngừng được mở rộng và phát triển. Vương triều Lý - Trần đã đưa kinh thành Thăng Long trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của đất nước.
Cuốn sách “Vương triều Lý - Trần với kinh đô Thăng Long” của tác giả Trần Hồng Đức do Nxb. Chính trị Quốc gia xuất bản năm 2010 sẽ giúp bạn đọc có thêm tài liệu tham khảo, nghiên cứu về lịch sử hai triều đại Lý - Trần; công lao, đóng góp của các danh nhân; một số thành tựu thơ văn, kiến trúc.
Sách gồm 4 phần:
- Phần 1: Bối cảnh lịch sử nước ta trước khi Lý Thái Tổ định đô ở Thăng Long.
- Phần 2: Vương triều Lý định đô ở Thăng Long.
- Phần 3: Vương triều Trần với kinh đô Thăng Long.
9. Những trận đánh điển hình trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của Thăng Long - Hà Nội

Cuốn sách “Những trận đánh điển hình trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của Thăng Long - Hà Nội” giúp bạn đọc hiểu thêm về 14 trận đánh tiêu biểu trong suốt chiều dài lịch sử hơn 1.000 năm trên đất Thăng Long - Hà Nội.
Diễn biến của từng trận đánh được trình bày một cách khái quát, và được phân tích sâu về mặt nghệ thuật quân sự, ý nghĩa của từng trận đánh. Đó là những biểu hiện sinh động của phép dụng binh truyền thống phù hợp với điều kiện “lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều” của dân tộc ta. Trong đó, có những trận đánh điển hình thể hiện thắng lợi của chiến tranh nhân dân chống chiến tranh phá hoại của kẻ thù mà đỉnh cao là trận “Điện Biên Phủ trên không tại Hà Nội”. Đây là những thắng lợi của nghệ thuật phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân, thắng lợi của ý chí, tinh thần và trí tuệ Việt Nam.
10. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Hà Nội

“Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Hà Nội” là một công trình mang tính tổng quan, nghiên cứu một cách toàn diện cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Hà Nội do PGS.TS. Nguyễn Đình Lê chủ biên. Cuốn sách có giá trị khoa học thực tiễn sâu sắc, góp phần giáo dục lịch sử truyền thống cho nhân dân Thủ đô nói riêng và nhân dân cả nước nói chung.
Cuốn sách đã tái hiện một cách trung thực, đầy đủ và sinh động tiến trình cách mạng ở Hà Nội từ năm 1939 đến 2/9/1945; khái quát một số đặc thù của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Hà Nội; nêu bật vai trò của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Hà Nội đối với phong trào cách mạng trong cả nước.
Sách gồm 4 chương, cụ thể:
- Chương 1: Khái quát phong trào cách mạng ở Hà Nội trước năm 1939.
- Chương 2: Phong trào đấu tranh cách mạng từ cuối năm 1939 đến đầu năm 1945.
- Chương 3: Từ cao trào kháng Nhật đến Tổng khởi nghĩa, xây dựng chính quyền nhân dân (từ 12/3 đến 2/9/1945).
- Chương 4: Nguyên nhân thắng lợi, ý nghĩa lịch sử và kinh nghiệm rút ra từ Cách mạng Tháng Tám ở Hà Nội.
11. Lịch sử Thủ đô Hà Nội

Hà Nội không những có một vị trí và một vai trò quan trọng trong lịch sử mà còn có một lịch sử xây dựng đáng tự hào. Hà Nội là một trong những thủ đô lâu đời nhất trên thế giới.
Cuốn sách “Lịch sử Thủ đô Hà Nội” do Giáo sư Trần Huy Liệu chủ biên, Nxb. Lao động phát hành năm 2009, gồm 3 phần, 7 chương, 678 trang với mục đích giới thiệu quá khứ vẻ vang và triển vọng tốt đẹp của Thủ đô Hà Nội. Đây là cuốn sách đầu tiên viết về Hà Nội một cách toàn diện, có hệ thống về mọi mặt theo quá trình phát triển lịch sử Hà Nội suốt từ thế kỷ XI đến năm 1960, và do một đội ngũ biên soạn là các nhà sử học danh tiếng của Việt Nam thời gian đó. Cuốn sách phản ánh một cách chân thực và rõ nét nhất hình ảnh một Hà Nội sau kháng chiến chống Pháp và đang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Sách gồm ba phần:
- Phần thứ nhất: Thủ đô Hà Nội trong thời phong kiến (Từ đầu thế kỷ XI tới đầu thế kỷ XIX).
- Phần thứ hai: Thủ đô Hà Nội trong thời kỳ thuộc Pháp (1883 - 1945).
- Phần thứ ba: Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
12. Hào khí Thăng Long - Hà Nội thời đại Hồ Chí Minh

Từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, đặc biệt là từ khi có cách mạng Việt Nam có Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng Việt Nam, hào khí Thăng Long - Hà Nội đã phát triển, thăng hoa lên một tầm cao mới.
Cuốn sách “Hào khí Thăng Long - Hà Nội thời đại Hồ Chí Minh” là tập hợp những sự kiện tiêu biểu nhất trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của Hà Nội từ ngày có Đảng và Bác Hồ lãnh đạo. Đó là Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 tại Hà Nội - cuộc khởi nghĩa tiêu biểu nhất, ảnh hưởng vang dội khắp cả nước; là cuộc chiến đấu 60 ngày đêm cuối năm 1946 của quân dân Hà Nội với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, và “Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không” đánh thắng cuộc tập kích chiến lược đường không của đế quốc Mỹ cuối năm 1972, qua đó khẳng định “Hà Nội là Thủ đô của phẩm giá con người”.
13. Tư liệu văn hiến Thăng Long- Hà Nội: Tuyển tập văn kiện lịch sử

Cuốn sách “Tư liệu văn hiến Thăng Long- Hà Nội: Tuyển tập văn kiện lịch sử” được bắt đầu bằng Chiếu dời đô được vua Lý Thái Tổ ban bố năm 1010, kết thúc là Chỉ thị ngày 01/8/2008 của Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố về việc mở rộng địa giới Hà Nội.
Cuốn sách tập hợp, tuyển chọn và giới thiệu những văn kiện tiêu biểu, quan trọng nhất, gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của Thủ đô. Qua những văn kiện được tập hợp trong cuốn sách, bạn đọc có thể hình dung về những sự kiện, nội dung chính yếu trong tiến trình lịch sử Thăng Long- Hà Nội.
Sách được chia thành 3 phần:
- Phần thứ nhất: Thăng Long- Hà Nội trong kỷ nguyên Đại Việt, gồm 55 văn kiện.
- Phần thứ hai: Hà Nội thời pháp thuộc, 10 văn kiện.
- Phần thứ ba: Hà Nội từ năm 1945 đến nay, 75 văn kiện.
Tuyển tập là những văn kiện tiêu biểu, có giá trị cao, ý nghĩa sâu sắc, liên quan đến những vấn đề lớn, đánh dấu những bước chuyển quan trọng trong tiến trình phát triển của lịch sử Thăng Long - Hà Nội. Có những văn kiện được ban hành do yêu cầu quản lý của bộ máy hành chính hoặc xuất phát từ đòi hỏi của cuộc chiến tranh, nhưng cũng có những văn kiện đánh dấu bước ngoặt lịch sử, là những ánh thiên cổ hùng văn, khiến cho tên tuổi Thăng Long - Hà Nội, Đại Việt - Việt Nam trở nên bất hủ.
14. Quản lý và phát triển Thăng Long - Hà Nội - Lịch sử và bài học

“Quản lý và phát triển Thăng Long - Hà Nội - Lịch sử và bài học” là một trong số 11 đề tài thuộc Chương trình “Nghiên cứu phát huy điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và giá trị lịch sử - văn hóa, phục vụ phát triển toàn diện Thủ đô”.
Đề tài giúp bạn đọc tìm hiểu, nghiên cứu về quản lý và phát triển Thăng Long - Hà Nội; nghiên cứu về thiết chế quản lý và phát triển của địa phương Thăng Long - Hà Nội qua từng giai đoạn khác nhau kể từ khi vua Lý Thái Tổ định đô cho đến ngày nay.
Sách gồm 6 chương:
- Chương I. Quản lý và phát triển Thăng Long - Hà Nội từ định đô đến xâm lược của Pháp (1010 - 1873).
- Chương II. Quản lý và phát triển thời kỳ Pháp thuộc (1873 - 1945).
- Chương III. Quản lý và phát triển thành phố Hà Nội từ sau cách mạng Tháng tám đến giải phóng Thủ đô (1645 - 1954).
- Chương IV. Quản lý và phát triển Thủ đô Hà Nội từ 1954 - 1975.
- Chương V. Quản lý và phát triển Thủ đô Hà Nội từ 1975 đến nay.
- Chương VI. Bài học về quản lý và phát triển Thăng Long- Hà Nội với vai trò trung tâm chính trị - hành chính của đất nước.
Lịch sử Thăng Long- Hà Nội là một quá trình vận động liên tục, trong đó nổi bật nhất là tính chất trung tâm chính trị, hành chính quốc gia. Vì thế, nghiên cứu tổng kết bài học về quản lý và phát triển Thăng Long- Hà Nội sẽ giúp bạn đọc hiểu được toàn bộ lịch sử của Thăng Long- Hà Nội, nhất là những giai đoạn nó đóng vai trò là trung tâm chính trị, hành chính của đất nước.
15. Sông Hồng cuộn sóng

Cuốn sách “Sông Hồng cuộn sóng” gồm hơn 40 bài viết hồi ký về những câu chuyện liên quan đến một thời kỳ lịch sử mà những nhân vật là những con người còn rất trẻ, những chàng trai, cô gái Hà Nội với tinh thần giác ngộ cách mạng kiên trung. Và tuổi trẻ của họ trở nên sôi nổi và có ý nghĩa vì họ được sống giữa một cuộc biến đổi to lớn của đất nước, của dân tộc, của Thủ đô Hà Nội.
Với lòng yêu nước thiết tha và tinh thần quật khởi chống quân xâm lược, những người con Hà Nội, người con của dòng sông Mẹ đã sống, cống hiến và cháy hết mình chiến đấu và bảo vệ tổ quốc, bảo vệ Thủ đô Hà Nội với tinh thần “Quyết tử để tổ quốc quyết sinh”, “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ” đã làm nên thành công của cuộc Cách mạng Tháng tám, của bản anh hùng ca bất tử mùa Đông năm 1946. Sách đã phác họa được những nét chính trong cuộc chiến đấu của nhân dân và lực lượng vũ trang của Thủ đô anh hùng.
Sông Hồng cuộn sóng gồm 3 phần:
- Phần một: Hà Nội rợp trời vàng sao.
- Phần hai: Quyết tử để tổ quốc quyết sinh.
- Phần ba: Hà Nội vùng đứng lên.
Và dòng sông có thể sẽ đổi dòng, có thể sẽ cạn kiệt nếu như con người chúng ta không biết yêu quý, chăm chút cho dòng sông quê hương của mình. Lịch sử cũng vậy, đó cũng là hàm ý của những người làm ra cuốn sách khi đặt tên cho sách là “Sông Hồng cuộn sóng”.