1. Những thầy giáo nổi tiếng trong lịch sử

Có thể nói, những người thầy trong lịch sử Việt Nam đã hội tụ cả ba yếu tố: tâm, tầm, trí và được minh chứng qua trang sử dân tộc. Vai trò, vị thế đặc biệt của nghề giáo từ xưa đến nay luôn được người đời nhìn nhận một cách thấu đáo. Ngày nay, lớp lớp học trò biết tôn sư, trọng đạo, học giỏi, tu dưỡng tốt, học sinh giỏi quốc tế, học sinh giỏi quốc gia, học sinh nghèo vượt khó học giỏi... là những món quà vô giá tri ân các nhà giáo. Nghề giáo là nghề đặc biệt, vì vậy cần tiếp tục củng cố, tạo lập vị thế của nhà giáo trong xã hội trên tất cả các phương diện tinh thần và đời sống vật chất. Không có sự suy bì nào biện giải nổi về sự đãi ngộ của xã hội đối với người chiến sĩ trên mặt trận chiến đấu bảo vệ Tổ quốc; cũng như sự đãi ngộ đối với nhà giáo, những chiến sĩ trong sự nghiệp nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Người thầy là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa giáo dục; đóng góp thầm lặng của họ đã đào tạo cho đất nước lớp lớp những thế hệ nhân tài; công sức của họ là góp công vào công cuộc đánh thắng “giặc dốt”, đẩy lùi “giặc đói”, đưa đất nước phát triển sánh vai cùng với bạn bè năm châu.
Thầy giáo không chỉ nuôi dưỡng tâm hồn, nảy nở ý chí mà còn gieo mầm tài năng cho mọi thế hệ. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục… không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh thế - văn hóa”.
Cuốn sách giới thiệu những người thầy giáo từ xưa tới nay như: Thiền Sư Vạn Hạn ( ? - 1018); Chu Văn An (1292 - 1370); Lương Thế Vinh (1441 - 1496); Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911 - 2013)…
Cuốn sách “Những thầy giáo nổi tiếng trong lịch sử” do nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ ấn hành năm 2017 với 319 trang hiện đang phục vụ tại phòng Mượn và phòng Đọc của Thư viện Hà Nội.
Thông tin xếp giá: DM28506, M161091, M161092, PM044828,VL002160, VL52968
|
2. Thế kỷ XXI - Ánh sáng giáo dục
Trở thành con người toàn diện là ước mơ chung của mọi người. Đào tạo con người toàn diện là mục tiêu, lý tưởng trong giáo dục.
Cuốn sách “Thế kỷ XXI - Ánh sáng giáo dục” của tác giả người Nhật Ikeda Daisaku (dịch giả Trần Quang Tuệ) tập hợp những lời, những đoạn trích dẫn từ những bài nói chuyện, kiến nghị của Ikeda Daisaku về vấn đề giáo dục. Đối tượng của những bài nói chuyện này thuộc nhiều thành phần khác nhau: thanh thiếu niên, giáo viên, phụ huynh, những nhà hoạt động xã hội, nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu... Nội dung cuốn sách không chỉ bó hẹp trong vấn đề giáo dục học đường, mà còn đề cập nhiều khía cạnh khác trong đời sống xã hội như: giáo dục, xã hội, đạo đức...
Nội dung cuốn sách được gồm hai phần:
Phần I: Ánh sáng giáo dục (gồm 6 chương)
Phần II: Luận bàn về giáo dục (gồm 3 chương)
Cuốn sách là một tài liệu rất bổ ích đối với những ai quan tâm đến giáo dục, muốn có cái nhìn toàn diện về giáo dục, muốn tự giáo dục mình, giáo dục người, giáo dục thế hệ nối tiếp thành người toàn diện.
Cuốn sách “Thế kỷ XXI - Ánh sáng giáo dục” do nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành năm 2013 với 166 trang hiện đang phục vụ tại phòng Mượn và phòng Đọc của Thư viện Hà Nội.
Thông tin xếp giá: DM21345, M138432, M138433, M138434, M138435, M138436, PM032878, VN033601, VV72342, VV72343
|
3. Người thầy - Hồi ức của một nhà giáo Mỹ
Một cuốn tự truyện với lối viết hóm hỉnh, văn đối thoại rành mạch, rõ ràng. Frank McCourt, một nhà văn đồng thời cũng là một thầy giáo dạy văn tại các trường trung học ở New York đã một lần nữa vẽ lại câu chuyện của đời mình - câu chuyện của một nhà giáo Mỹ. Có những khó khăn, có những gian truân vất vả trên con đường tìm kiếm một phương pháp giảng dạy tốt nhất và cũng có cả những bất ngờ, những thành tựu được đền bù xứng đáng từ những “gai góc bền chí” mà ông đã bỏ ra. Cứ thế câu chuyện lớn của cuộc đời “người thầy” với kinh nghiệm giảng dạy 30 năm hiện lên chân thật nhất trong mắt người đọc. Đó là một người thầy mà tất cả chúng ta đều mong ước có được, với tâm huyết và nhiệt thành với nghề, luôn tâm lý và giành được sự yêu thương, quý trọng từ những học trò năng động và cả nghịch ngợm ở lứa tuổi mới lớn.
Đây ắt hẳn là một tác phẩm mà tự bản thân mỗi người nên tự chiêm nghiệm để hiểu và thấm thía thêm về nghề giáo. Một quyển sách và một câu chuyện liên quan tới tất cả chúng ta. Một hành trình cần được khám phá bởi chính tất cả mọi người.
Cuốn sách “Người thầy - Hồi ức của một nhà giáo Mỹ” do nhà xuất bản Hội nhà văn và Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam ấn hành năm 2018 với 334 trang hiện đang phục vụ tại phòng Mượn và phòng Đọc của Thư viện Hà Nội.
Thông tin xếp giá: DM28868, M161875, M161876, PM045286, PM045287, VL002321, VL53135
|
4. Tạ Quang Bửu thân thế và sự nghiệp (1910 - 1986)
Tạ Quang Bửu (1910 - 1986) là giáo sư, nhà khoa học Việt Nam, người đặt nền móng cho lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VI (1946 - 1981). Giáo sư Tạ Quang Bửu là một trong những nhà trí thức tài giỏi của Việt Nam từ khi giành độc lập năm 1945. Ông đã cống hiến rất nhiều cho sự nghiệp cách mạng và giải phóng dân tộc cũng như nền khoa học nước nhà và góp phần không nhỏ trong sự nghiệp phát triển giáo dục Việt Nam.
Mọi người nhớ đến Giáo sư không chỉ với hình ảnh một nhà lãnh đạo tài ba, có tầm nhìn chiến lược, có tư duy biện chứng, có năng lực có tổ chức thực hiện có hiệu quả,.. mà còn với những kỷ niệm, tình cảm quý mến, yêu thương và kính phục con người Giáo sư, một trí tuệ uyên thâm ở khá nhiều lĩnh vực khoa học, một người thầy thân yêu và gần gũi của nhiều thế hệ các nhà khoa học trẻ, một khả năng tự học phi thường, một phong cách sống giản dị và trong sạch, một Con Người đích thực với nghĩa viết hoa của nó.
Cuốn sách “Tạ Quang Bửu thân thế và sự nghiệp (1910 - 1986)” do nhà xuất bản Giáo dục ấn hành năm 2010 với 207 trang hiện đang phục vụ tại phòng Mượn và phòng Đọc của Thư viện Hà Nội.
Thông tin xếp giá: M119384, M119385, M119386, VL37054, VL37055
|
5. Nhà giáo Văn Như Cương và những điều còn mãi
Có một người thầy giáo luôn để lại sự kính trọng cho bao thế hệ học trò; người cha mẫu mực, nghiêm cẩn khiến con cái tôn trọng, noi theo; người chồng luôn khiến vợ thương yêu, mong nhớ; người bệnh nhân kiên cường chiến đấu với bệnh tật đến hơi thở cuối cùng - đó là Nhà giáo Văn Như Cương, người Hiệu trưởng đầu tiên của ngôi trường dân lập đầu tiên tại Việt Nam, trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh. Khi trở về với đất mẹ, Nhà giáo Văn Như Cương để lại niềm tiếc thương vô hạn cho những người ở lại và một di sản đồ sộ mang ý nghĩa nhân văn cũng như giá trị thực tiễn sâu sắc.
Cuốn sách ra đời đã phác họa được chân dung con người và sự nghiệp cũng như tầm ảnh hưởng, sức lan tỏa của Nhà giáo Văn Như Cương. Mỗi phần viết là một nét vẽ, tuy rất riêng nhưng vẫn hòa điệu tạo nên bức tranh toàn diện và sinh động nhất về chân dung một nhà giáo lớn, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng biết bao thế hệ học sinh. Cuốn sách còn có phụ lục ảnh màu tập hợp những khoảnh khắc đời thường tuy bình dị nhưng ý nghĩa về một người thầy vĩ đại. Hơn hết, những bức ảnh về buổi lễ khánh thành điểm trường Nà Ngao - Trường Mầm non xã Đồng Tâm (Bắc Quang, Hà Giang) ngày 15/9/2019, đúng như di nguyện cuối cùng của Nhà giáo Văn Như Cương cũng kịp góp mặt trong cuốn sách nhỏ này.
Để giúp độc giả hiểu hơn về những di sản vừa hữu hình vừa vô hình mà gần 60 năm trong sự nghiệp “trồng người”, thầy Cương đã hun đúc và lưu giữ thành kho tàng vô giá cho thế hệ tương lai, Nhà văn, nhà báo Hồ Bất Khuất, một trong những người có nhiều cơ may cũng như điều kiện gần gũi, tiếp xúc thân tình nhiều năm với thầy đã chắp bút viết về Nhà giáo Văn Cương ở mọi phương diện và đúc kết trong cuốn sách “Nhà giáo Văn Như Cương và những điều còn mãi”.
Cuốn sách “Nhà giáo Văn Như Cương và những điều còn mãi” do nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông ấn hành năm 2018 với 254 trang hiện đang phục vụ tại phòng Mượn và phòng Đọc của Thư viện Hà Nội.
Thông tin xếp giá: DM30403, M166230, M166231, PM048017, VL002991, VL53964
|
6. Chu Văn An - Hiệu trưởng đầu tiên trường Quốc Tử Giám
Những câu chuyện kể về cuộc đời, sự nghiệp dạy học của thầy Chu Văn An - một bậc hiền nho, suốt đời không màng lợi danh, luôn cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Với cốt cách thanh cao, tinh thần trong sáng, trí tuệ sâu sắc và đạo học vững vàng, ông là một nhân cách lớn, đứng đầu trong lịch sử giáo dục Nho học nước nhà.
Năm 1076, vua Lý Nhân Tông cho thành lập trường Quốc Tử Giám để dạy học cho các hoàng tử và sau đó cho cả con cái quan lại trong triều đình. Năm 1253, vua Trần Thái Tông đã cho phép mở rộng cánh cửa trường học đối với các sĩ tử xuất sắc đến từ khắp cả nước để học tập và có cơ hội trở thành quan đại thần phục vụ đất nước. Với hơn 700 năm hoạt động, trường học đã đào tạo hàng nghìn nhân tài cho đất nước liên tục từ năm 1076 đến năm 1779. Do đó không thể phủ nhận rằng Quốc Tử Giám là trung tâm giáo dục lớn nhất trên cả nước dưới thời phong kiến và nó xứng đáng được gọi là trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng ta cũng không thể không nhắc đến danh sư Chu Văn An (1292 - 1370), vị học giả nổi tiếng mà tên tuổi của ông đã trở thành tấm gương đạo đức cho sự liêm khiết và tận tâm với công việc giáo dục đào tạo của đất nước. Với vị trí hiệu trưởng đầu tiên của trường đại học quốc gia trong 40 năm, ông là nhà giáo duy nhất có vinh dự được thờ phụng tại Văn Miếu.
Có thể nói, Chu Văn An đã dành cả cuộc đời của mình cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo nhân tài cho đất nước. Thầy không chỉ là người thầy đã thành công trong việc truyền đạt kiến thức Nho gia để đào tạo môn sinh mà còn là người đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa việc truyền đạt, giảng giải tri thức với việc giảng dạy đạo làm người, làm quan.
Nội dung cuốn sách chia làm 2 phần:
Phần 1: Cuộc đời và sự nghiệp của Chu Văn An
Phần 2: Tập hợp các bài thơ của Chu Văn An và các bài thơ của các danh nhân tặng Chu Văn An
Cuốn sách “Chu Văn An - Hiệu trưởng đầu tiên trường Quốc Tử Giám” của tác giả Hoàng Khôi biên soạn do nhà xuất bản Văn hoá thông tin ấn hành năm 2015 với 171 trang hiện đang phục vụ tại phòng Đọc và phòng Mượn của Thư viện Hà Nội.
Thông tin xếp giá: VV75722, VV75723, DM23812, M147357, M147358, M147359, VV011546, PM037368
|
7. Bác Hồ với ngành giáo dục
Cuốn sách “Bác Hồ với ngành giáo dục” là tập hợp các bài nói, bài viết, thư của Bác Hồ về ngành giáo dục; các câu chuyện kể về Bác Hồ với sự nghiệp giáo dục, đào tạo. Qua đó, cho chúng ta thấy tình cảm, sự tin tưởng vào đội ngũ những người làm giáo dục, cũng như sự kỳ vọng lớn lao vào thế hệ tương lai đất nước của Bác.
Sinh thời, Bác Hồ luôn quan tâm sâu sắc đến sự phát triển của tất cả các ngành, các lĩnh vực, đặc biệt là sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Những lời dạy của Bác đối với những người làm trong ngành giáo dục và sự tin tưởng, kỳ vọng của Người vào thế hệ học sinh, tương lai của đất nước đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Qua đó, giúp cho mỗi người càng thấm thía hơn những ý nghĩa sâu sắc trong mỗi lời dạy của Người.
Cuốn sách được chia làm 2 phần:
Phần I: Một số bài nói, bài viết và thư của Bác Hồ về ngành giáo dục
Phần II: Những chuyện kể về Bác Hồ với sự nghiệp giáo dục
Cuốn sách “Bác Hồ với ngành giáo dục” của tác giả Phan Tuyết sưu tầm - tuyển chọn do nhà xuất bản Hồng Đức ấn hành năm 2011 với 218 trang hiện đang phục vụ tại phòng Đọc và phòng Mượn của Thư viện Hà Nội.
Thông tin xếp giá: VV80109, DM27150, M157438, M157439, VV014894, PM042604
|
8. Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục và vận dụng vào đào tạo đại học hiện nay
Hồ Chí Minh - Người sáng lập, đặt nền móng và chỉ đạo việc xây dựng nền giáo dục mới Việt Nam. Chỉ riêng về giáo dục, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng đã là một kho tàng, ở tầm chiến lược và ngày càng ngời sáng qua thực tiễn. Người coi giáo dục là mục tiêu hàng đầu trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh không chỉ bó hẹp trong việc giáo dục tri thức, học vấn cho con người, mà còn có tính bao quát, sâu xa, nhưng vô cùng sinh động và thiết thực, nhằm đào tạo ra những con người toàn diện, vừa “hồng” vừa “chuyên”, có tri thức, có khả năng tư duy sáng tạo, chuyên môn sâu và vững, có lý tưởng, đạo đức, có sức khỏe và thẩm mỹ… làm thay đổi căn bản vị thế của nước ta trên trường quốc tế.
Cuốn sách trình bày nguồn gốc, quá trình hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục theo từng thời kỳ, phân tích nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục và nêu bật tầm quan trọng của việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào việc nâng cao chất lượng đào tạo đại học hiện nay.
Nội dung cuốn sách chia làm 2 chương:
Chương I: Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục
Chương II: Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đại học hiện nay
Cuốn sách “Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục và vận dụng vào đào tạo đại học hiện nay” của tác giả Hoàng Anh chủ biên do nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật ấn hành năm 2013 với 219 trang hiện đang phục vụ tại phòng Đọc và phòng Mượn của Thư viện Hà Nội.
Thông tin xếp giá: VL48027, VL48028, DM21298, M138245, M138246, M138247, M138248, VN033377, PM032392, PM032393
|
9. Phát triển nền giáo dục Việt Nam trong những thập niên đầu thế kỷ XXI theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Trong lĩnh vực giáo dục, Hồ Chí Minh không chỉ là nhà tư tưởng, mà còn luôn hiện thân là người thầy mẫu mực chăm sóc cho sự nghiệp trồng người của dân tộc. Coi trọng phát triển giáo dục là quan điểm nhất quán của Đảng ta trong thời kỳ đổi mới. Đảng và Nhà nước ta đã nhất quán coi trọng việc phát triển giáo dục, đào tạo qua nhiều chủ trương, chính sách lớn.
Cuốn sách đã phân tích khái quát tư tưởng cơ bản của Hồ Chí Minh về giáo dục trên những khía cạnh như mục tiêu, nội dung và phương pháp giáo dục để trên cơ sở đó khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục không chỉ là ánh sáng soi đường, kim chỉ nam cho chiến lược phát triển con người, phát triển giáo dục ở Việt Nam trong suốt mấy chục năm qua, mà còn định hướng cơ bản đối với việc đổi mới, chấn hưng phát triển nền giáo dục Việt Nam trong thời gian tới. Với những vấn đề đã được trình bày, cuốn sách sẽ giúp những người làm công tác giáo dục, những nhà khoa học, các cán bộ giảng dạy và nghiên cứu trong các học viện, nhà trường nắm bắt, nhận thức được sự phát triển của nền giáo dục nước ta; đồng thời có cơ sở để truyền đạt, phổ biến ảnh hưởng to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng của nền giáo dục Việt Nam trước sự phát triển của khoa học giáo dục thế giới.
Nội dung cuốn sách được chia làm 3 chương:
Chương I: Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nền giáo dục trong xã hội mới
Chương II: Thực trạng phát triển nền giáo dục nước ta hiện nay và vấn đề đặt ra cho việc phát triển giáo dục những thập niên đầu thế kỷ XXI
Chương III: Quan điểm và giải pháp cơ bản phát triển nền giáo dục Việt Nam trong những thập niên đầu của thế kỷ XXI theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Cuốn sách “Phát triển nền giáo dục Việt Nam trong những thập niên đầu thế kỷ XXI theo tư tưởng Hồ Chí Minh” của tác giả PGS, TS. Nguyễn Thị Nga chủ biên do nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật ấn hành năm 2013 với 206 trang hiện đang phục vụ tại phòng Đọc và phòng Mượn của Thư viện Hà Nội.
Thông tin xếp giá: VL46220, VL46221, DM20414, M135102, M135103, M135104, VN032809, PM031462
|
10. Từ bục giảng đến văn đàn chân dung 25 người thầy
25 “chân dung” các giáo sư thuộc “thế hệ vàng” trí thức Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX và các giáo sư có uy tín trong hơn năm thập kỷ gần đây được tác giả miêu tả trong tập sách với tấm lòng kính phục đạo đức và tâm huyết trong công việc giảng dạy, nghiên cứu và sáng tác, và cả công phu tự học của các thầy. Ngoại trừ hai giáo sư Trương Vĩnh Ký và Dương Quảng Hàm là tác giả học hỏi qua các công trình để lại, các giáo sư còn lại đều là người thầy trực tiếp hoặc là đồng nghiệp của tác giả, do vậy ngoài giới thiệu một cách khái quát những cống hiến xuất sắc của mỗi người trong lĩnh vực sáng tác hoặc nghiên cứu, hoặc cả hai, tác giả còn chọn lọc kể lại một số kỷ niệm riêng, chủ yếu để độc giả hiểu được nhân phẩm, tính cách cao đẹp và cũng rất đời thường của các thầy.
Các bài viết được sắp xếp theo trật tự ngày tháng năm sinh của 25 vị, kèm theo bản tóm tắt tiểu sử trước mỗi bài viết. Trước hiện trạng xã hội đang kỳ vọng vào sự thay đổi của giáo dục nước nhà, tập sách như một điểm sáng để thế hệ hậu sinh nhìn lại những tấm gương người thầy thế hệ trước, những người đã làm rạng danh chữ “Thầy” trong nền giáo dục của đất nước ở giai đoạn khó khăn, từ đó góp phần “tạo nền, chấn hưng giáo dục nước nhà” như lời tác giả đã gửi gắm ở đầu sách.
Cuốn sách “Từ bục giảng đến văn đàn chân dung 25 người thầy” do nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2015 với 324 trang hiện đang phục vụ tại phòng Mượn và phòng Đọc của Thư viện Hà Nội.
Thông tin xếp giá: DM24532, M149663, M149664, M149665, PM038621, VV012482, VV77027, VV77028
|
11. Nhà giáo Việt Nam - tiểu sử và giai thoại
Cuốn sách “Nhà giáo Việt Nam - tiểu sử và giai thoại” giới thiệu đến bạn đọc thân thế và những cống hiến về giáo dục của các nhà giáo Việt nam thời kỳ phong kiến.
Nội dung cuốn sách gồm 6 phần:
Phần 1: Các thầy giáo và bậc quốc sư: Tác giả giới thiệu những tấm gương nhà giáo tiêu biểu và được vinh danh là “Người thầy của muôn đời” như: Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lương Đắc Bằng…
Phần 2: Các thầy giáo thiên về hoạt động chính trị: Chính trị - Đây là một lĩnh vực đặc biệt trong thời phong kiến mà các nhà giáo đã có những đóng góp không nhỏ, xưa ta có Nguyễn Trãi nay ta có Phan Bội Châu hay các thầy trong Đông Kinh Nghĩa Thục.
Phần 3: Các Bà giáo: Đây là phần đặc biệt bởi ngày nay ta có nhiều nhưng dưới thời phong kiến đây là sự kiện thật đặc biệt. Một bà giáo như Đoàn Thị Điểm rất đáng được vinh danh hay Nguyễn Thị Lộ và rất nhiều bà giáo được vua mời vào cung cho nhận chức Cung trang giáo tập.
Phần 4: Các thầy giáo chuyên khoa và bách khoa: Ta sẽ thấy một Lê Quý Đôn có cả thơ, sử, triết học hay thầy Lê Văn Hưu chuyên về lĩnh vực sử và thầy Nguyễn Đức Đạt chuyên về học thuật…
Phần 5: Các thầy giáo nổi tiếng vì là người chủ trì các ngôi trường danh tiếng: Tỉnh nào cũng có các thầy danh tiếng như ra Hà Nội có thầy Vũ Tông Nhan, đến Nam Định có thầy Ngô Thế Vinh, ở Nghệ An có thầy Nguyễn Thúc Tự và ở miền Nam là thầy Võ Trường Toản… tên tuổi của các trường này cũng đã dậy vang một thời.
Phần 6: Các thầy có hoàn cảnh đặc biệt và phong cách riêng: Đây cũng là một sự kiện đặc biệt mà ít người chú ý, rất nhiều các thầy giáo nổi tiếng có nét độc đáo so với đồng nghiệp. Có thầy giáo bị mù như Nguyễn Đình Chiểu nhưng tiếng tăm rất lớn, có thầy giáo dạy các môn khoa học ít phổ biến như thầy Ngữ Phương.
Cuốn sách “Nhà giáo Việt Nam - tiểu sử và giai thoại” do nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2011 với 321 trang hiện đang phục vụ tại phòng Mượn và phòng Đọc của Thư viện Hà Nội.
Thông tin xếp giá: DM21449, M138769, M138770, M138771, PM033295, VL48293, VL48294, VN033875
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
|