Phần 2: Đảng bộ thành phố Hà Nội - 90 năm xây dựng và trưởng thành
15/01/2021
Cỡ chữ: A- A+
In bài viết
1. Đảng bộ Thành phố Hà Nội 90 năm xây dựng và phát triển

Trong quá trình 90 năm lãnh đạo, Đảng bộ TP. Hà Nội đã tổ chức 16 kỳ đại hội. Mỗi kỳ đại hội là một dấu mốc quan trọng đánh dấu bước trưởng thành về công tác xây dựng Đảng, phong trào cách mạng của Đảng bộ trong mỗi giai đoạn lịch sử.
Cuốn sách “Đảng bộ Thành phố Hà Nội 90 năm xây dựng và phát triển”gồm 90 câu hỏi - đáp được chia thành 4 phần:
- Phần I: Hà Nội nơi khởi nguồn phong trào cách mạng (giai đoạn 1926 - 1945).
- Phần II: Đảng bộ Thành phố Hà Nội lãnh đạo nhân dân bảo vệ chính quyền cách mạng - kháng chiến chống Pháp (9/1945 - 10/1954).
- Phần III: Đảng bộ Thành phố Hà Nội lãnh đạo nhân dân xây dựng, bảo vệ CNXH ở miền Bắc - Chi viện tiền tuyến lớn miền Nam góp phần thống nhất đất nước (10/1954 - 4/1975).
- Phần IV: Đảng bộ Thành phố Hà Nội lãnh đạo nhân dân tiếp tục xây dựng, bảo vệ Thủ đô - thực hiện đường lối đổi mới (4/1975 - 2020).
Cuốn sách giới thiệu một cách khái quát về quá trình lãnh đạo của Đảng bộ thành phố trong 90 năm qua, những thành tựu nổi bật của Thành phố Hà Nội trong quá trình bảo vệ, xây dựng và phát triển cùng những định hướng trong thời gian tới.
2. Lịch sử Đảng bộ thành phố Hà Nội (1930 - 2000)

Cuốn sách “Lịch sử Đảng bộ thành phố Hà Nội (1930 - 2000)” ra mắt đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng thủ đô. Trải qua 70 mùa xuân, với trí tuệ, bản lĩnh và nghị lực kiên cường; với tinh thần chủ động, sáng tạo, bằng ý thức đoàn kết, gắn bó máu thịt với nhân dân, được nhân dân tin yêu, ủng hộ và bảo vệ, Đảng bộ Hà Nội đã lãnh đạo nhân dân đạt được nhiều thành tựu to lớn, nổi bật.
Sách “Lịch sử Đảng bộ thành phố Hà Nội (1930 - 2000)” gồm bốn phần:
- Phần mở đầu: Hà Nội thời dựng Đảng.
- Phần thứ nhất: Đảng bộ Hà Nội lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành chính quyền và kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược (1930 - 1954).
- Phần thứ hai: Lãnh đạo nhân dân xây dựng và bảo vệ Thủ đô xã hội chủ nghĩa, góp phần đánh bại chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, giái phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc (1954 - 1975).
- Phần thứ ba: Lãnh đạo nhân dân tiếp tục xây dựng và bảo vệ Thủ đô xã hội chủ nghĩa, thực hiện công cuộc đổi mới (1975 - 2000).
Đây là tài liệu quý góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên và nhân dân thủ đô, nhất là thế hệ trẻ, tiếp thêm niềm tự hào về lịch sử vẻ vang của Đảng bộ, từ đó ra sức phấn đấu xây dựng thủ đô giàu đẹp, hiện đại, văn minh, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân cả nước.
3. Các kỳ đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội

Ngày 17 - 3 - 1930, Đảng bộ Hà Nội được thành lập, đảm nhiệm trọng trách lãnh đạo phong trào cách mạng thành phố. Từ đó đến nay, Đảng bộ đã trải qua nhiều kỳ đại hội. Mỗi kỳ đại hội là một sự kiện lịch sử trọng đại, một mốc son chói lọi phản ánh sự trưởng thành của Đảng bộ trên nhiều phương diện.
Thiết thực chào mừng Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVI và các ngày lễ lớn trong năm 2015, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật phối hợp với Thành ủy Hà Nội ra mắt cuốn sách “Các kỳ đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội” xuất bản năm 2015, dày 695 trang. Cuốn sách trình bày một cách khái quát, có hệ thống nội dung cơ bản của các kỳ đại hội các Đảng bộ Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây, Hà Tây.
Sách gồm 3 phần:
- Phần thứ nhất: Các kỳ đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội.
- Phần thứ hai: Các kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Đông, Sơn Tây, Hà Tây.
- Phần thứ ba: Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XV (2010 - 2015) sau khi thành phố Hà Nội mở rộng địa giới hành chính.
4. Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hà Nội

"Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hà Nội” tập 1(1926 - 1945) đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô về tìm hiểu quá trình ra đời, đấu tranh và trưởng thành của Đảng bộ Hà Nội.
Cuốn sách gồm sáu chương:
- Chương I: Thành phố Hà Nội - Địa giới hành chính, dân cư và truyền thống.
- Chương II: Hà Đông - Hà Nội - Sơn Tây dưới chế độ thực dân phong kiến.
- Chương III: Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và sự ra đời của Đảng bộ Hà Nội (1926 - 1930).
- Chương IV: Đảng bộ Hà Nội và những tổ chức cách mạng ban đầu ở Hà Đông - Sơn Tây (1930 - 1935).
- Chương V: Đảng bộ Hà Nội, Hà Đông và chi bộ Đảng ở Sơn Tây trong thời kỳ mặt trận dân chủ (1936 - 1939).
- Chương VI: Đảng bộ Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây trong cuộc vận động giải phóng dân tộc.
Cuốn sách đã dựng lại những trang sử hào hùng trong quá trình các đảng bộ ra đời và lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành độc lập dân tộc; làm rõ mối quan hệ và tác động qua lại giữa phong trào cách mạng ba tỉnh, thành phố, song vẫn bảo đảm tính đặc thù và sắc thái riêng của phong trào cách mạng từng địa phương.
5. Lịch sử Đảng bộ thành phố Hà Nội (1954 - 1975)

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, giai đoạn 1954-1975, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội đã vượt qua chặng đường lịch sử đầy khó khăn và giành nhiều thắng lợi.
Sách “Lịch sử Đảng bộ thành phố Hà Nội (1954 - 1975)” gồm 7 chương:
- Chương I: Tình hình Hà Nội trước khi bước vào thời kỳ cách mạng mới.
- Chương II: Ổn định tình hình, khôi phục và bước đầu phát triển kinh tế- văn hóa (1954- 1975).
- Chương III: Đẩy mạnh cải tạo và phát triển kinh tế, củng cố hệ thống chính trị, phát triển văn hóa xã hội (1958 - 1960).
- Chương IV: Hà Nội thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965).
- Chương V: Hà Nội vừa sản xuất, vừa chiến đấu, góp phần đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất của Đế quốc Mỹ (1966 - 1968).
- Chương VI: Khẩn trương khôi phục kinh tế, chiến đấu góp phần đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của Đế quốc Mỹ (1969 - 1972).
- Chương VII: Khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, dồn sức cùng cả nước giải phóng miền Nam (1973 - 1975).
Trong giai đoạn 1954 - 1975, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội đã lập nên nhiều chiến công và thành tựu mới, đồng thời ra sức chi viện cho cách mạng miền Nam. Chỉ tính riêng sức người, thành phố Hà Nội đã có hơn 11.000 người con ưu tú hy sinh anh dũng cho sự nghiệp bảo vệ miền Bắc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, góp phần thu non sông về một mối, thống nhất đất nước.
6. Lịch sử đảng bộ thành phố Hà Nội (1975 - 2000) - Sơ thảo

“Lịch sử đảng bộ thành phố Hà Nội (1975 - 2000) - Sơ thảo” tập trung trình bày quá trình Đảng bộ Thành phố Hà Nội lãnh đạo quân dân Thủ đô vượt qua mọi khó khăn, thử thách, khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tăng cường an ninh quốc phòng, từng bước đổi mới Thủ đô về mọi mặt; đồng thời, bước đầu rút ra một số bài học kinh nghiệm lãnh đạo, hoạt động của Đảng bộ trong thời kỳ có nhiều sự kiện lịch sử trọng đại.
Cuốn sách gồm năm chương:
- Chương I: Lãnh đạo khôi phục, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo vệ Thủ đô (1975 - 1980).
- Chương II: Vượt qua khó khăn, đưa kinh tế - xã hội Thủ đô chuyển dần sang cơ chế mới (1980 - 1986).
- Chương III: Bước đầu thực hiện công cuộc đổi mới (1986 - 1990).
- Chương IV: Tiếp tục đổi mới thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa (1991 - 2000).
- Chương V: 25 năm xây dựng, bảo vệ Thủ đô thành quả và kinh nghiệm.
Cuốn sách được biên soạn nhằm giúp cán bộ, đảng viên, nhân dân Thủ đô có cơ hội nghiên cứu, tìm hiểu, học tập để tăng thêm lòng tự hào và ý thức trách nhiệm trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Thủ đô; đúc kết, suy ngẫm, vận dụng sáng tạo những bài học thiết thực của thời kỳ trước vào các hoạt động thực tiễn hôm nay.
7. Biên niên sự kiện cơ bản lịch sử Đảng bộ thành phố Hà Nội (2001 - 2005)

Cuốn sách ghi lại những sự kiện chính, tiêu biểu phản ánh sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố và phong trào cách mạnh của các tầng lớp nhân dân Thủ đô trong việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong 5 năm (2001- 2005). Đồng thời, phản ánh sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự giúp đỡ của các Bộ, ngành Trung ương đối với thành phố; mối quan hệ hợp tác giữa Hà Nội với các tỉnh, thành trong cả nước và quan hệ đối ngoại giữa Thủ đô Hà Nội và thủ đô các nước.
Sách cho ta thấy giai đoạn 2001-2005, Đảng bộ và nhân dân Thủ đô đã khắc phục khó khăn, vượt qua mọi thử thách, luôn luôn bảo đảm ổn định chính trị, tạo được bước phát triển toàn diện về kinh tế, chính trị, xã hội. Tiếp tục khẳng định rõ hơn vai trò, vị thế, uy tín của Thủ đô ở trong nước và thế giới. Những kết quả Hà Nội đạt được đã góp phần tích cực vào thành tựu chung của công cuộc đổi mới Thủ đô và đất nước.
8. Biên niên sự kiện cơ bản lịch sử Đảng bộ thành phố Hà Nội (2005 - 2010)

Cuốn “Biên niên sự kiện cơ bản lịch sử Đảng bộ thành phố Hà Nội (2005 - 2010)” đã ghi lại những sự kiện chính, tiêu biểu phán ánh sự lãnh đạo của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tây và những kết quả đạt được trong giai đoạn từ tháng 12- 2005 đến tháng 8- 2008; tiếp đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ thành phố Hà Nội từ tháng 8- 2008 đến tháng 12- 2010.
Trong 5 năm 2005- 2010, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng với sự giúp đỡ của Trung ương và nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế, Thủ đô Hà Nội đã phát triển toàn diện về mọi mặt, đặc biệt là tổ chức thành công Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, sự kiện trọng đại trong lịch sử đất nước và Thủ đô Hà Nội.
Thông qua các sự kiện lịch sử, cuốn sách đã góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, củng cố niềm tin của nhân dân vào thắng lợi của công cuộc đổi mới, tăng cường đoàn kết, phấn đấu đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh xứng đáng với niềm tin yêu của đất nước.
9. Đảng bộ Thành phố Hà Nội hơn nửa nhiệm kỳ nhìn lại

Cuốn tài liệu “Đảng bộ Thành phố Hà Nội hơn nửa nhiệm kỳ nhìn lại” nhằm cung cấp thêm thông tin cần thiết, bổ ích cho giúp cán bộ, đảng viên, và các tầng lớp nhân dân Thủ đô nhìn nhận lại những thành tựu đã đạt được trong hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XVI (2015 -2020), trên cơ sở đó thấy được hạn chế, khuyết điểm tồn tại để nhanh chóng khắc phục sửa chữa, thấy được những bài học kinh nghiệm, những cơ hội, tiềm năng phát triển của Hà Nội trong nhiệm kỳ 2020- 2025 và những năm tiếp theo.
Sách gồm ba phần:
- Phần thứ nhất: Kết quả giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XVI.
- Phần thứ hai: Kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ Thành phố năm 2018.
- Phần thứ ba: Nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu đến hết nhiệm kỳ để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ Thành phố.
10. Những sự kiện lịch sử Đảng bộ Hà Nội

Cuốn “Những sự kiện lịch sử Đảng bộ Hà Nội” được biên soạn nhằm cung cấp tài liệu giúp bạn đọc tìm hiểu về lịch sử Đảng bộ Hà Nội một cách cụ thể, ngắn gọn có hệ thống và tra cứu những sự kiện chính trong các thời kỳ lịch sử.
“Những sự kiện lịch sử Đảng bộ Hà Nội” được chắt lọc những sự kiện chính. Tình hình thế giới và trong nước, những âm mưu và chính sách của địch, thái độ các giai cấp ở Hà Nội… cũng được ghi lại những nét chính và có liên quan trực tiếp đến các sự kiện.
Cuốn sách gồm hai phần:
- Phần thứ nhất: Sự ra đời của Đảng bộ Hà Nội - Đấu tranh giành quyền lãnh đạo của Đảng (1925 - 1934).
- Phần thứ hai: Đảng bộ Hà Nội trong cao trào vận động dân chủ ở Hà Nội (1935 - 1939).
11. Hà Nội - Thủ đô Anh hùng, Thành phố vì Hoà bình

Sau quyết định mở rộng địa giới hành chính Thủ đô ngày 01/08/2008, thành phố Hà Nội trở thành một trong những thủ đô có diện tích rộng, số dân đông và lâu đời nhất trên thế giới.
Cuốn sách ảnh “Hà Nội - Thủ đô Anh hùng, Thành phố vì Hoà bình” gồm 320 trang, do Nxb. Hà Nội và Sở Thông tin và Truyền thông xuất bản năm 2014. Nội dung nhằm giới thiệu vị thế Thăng Long - Hà Nội từ “Chiếu dời đô”; Hà Nội với phong trào cách mạng và kháng chiến chống Pháp; Hà Nội trong khôi phục và phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội từ năm 1954 đến nay; Hà Nội trong xây dựng, đấu tranh thống nhất và bảo vệ Tổ Quốc; Hà Nội đổi mới, mở rộng địa giới hành chính…
Cuốn sách giúp người đọc hình dung một cách rõ nét, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền Thành phố, người dân Hà Nội đã vượt qua khó khăn của hai cuộc chiến tranh cứu nước vĩ đại, của thời bao cấp gian nan, từng bước phát triển trong thời đại công nghiệp hóa - hiện đại hóa Thủ đô.
Sách gồm 3 phần:
- Phần mở đầu: Thủ đô Hà Nội - Trái tim đất nước.
- Phần 1: Từ giải phóng Thủ đô đến thống nhất đất nước (1954 - 1975).
- Phần 2: Hà Nội đổi mới và phát triển.
12. “60 năm giải phóng Thủ đô - Thành tựu, thời cơ, thách thức và phát triển”

“60 năm giải phóng Thủ đô - Thành tựu, thời cơ, thách thức và phát triển” được hình thành trên cơ sở các bài tham luận của lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể Hà Nội, các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau tham gia Hội thảo.
Nội dung cuốn sách tập trung giới thiệu: Lịch sử đấu tranh anh dũng của quân dân Thủ đô trong kháng chiến chống Pháp; Hà Nội những năm đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội; về phát triển văn hóa - giáo dục, khoa học công nghệ của Thủ đô trong 60 năm qua; thực trạng kinh tế - xã hội của Thủ đô và các đề xuất phát triển bền vững theo các hướng tiếp cận khác nhau; quan hệ giữa Thủ đô Hà Nội với các tỉnh, thành trong cả nước cũng như mối quan hệ của Hà Nội với quốc tế; vấn đề quy hoạch và quản lý đô thị Hà Nội theo hướng hiện đại bền vững…
Sách gồm bốn phần:
- Phần thứ nhất: Lịch sử - chính trị.
- Phần thứ hai: Văn hóa - xã hội.
- Phần thứ ba: Quy hoạch đô thị.
- Phần thứ tư: Kinh tế - đối ngoại.
13. Thủ đô Hà Nội 65 năm chiến đấu, xây dựng và phát triển

Trong chiều dài lịch sử hơn ngàn năm của Hà Nội, ngày 10/10/1954 là một mốc son chói lọi, là thắng lợi oanh liệt của quân và dân Hà Nội, của dân tộc Việt Nam, đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp ở Việt Nam, mở ra một thời kỳ phát triển mới của Thủ đô và đất nước.
Cuốn sách “Thủ đô Hà Nội 65 năm chiến đấu, xây dựng và phát triển” do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội biên soạn dưới hình thức những câu hỏi - đáp, gồm 237 trang, giới thiệu những trang lịch sử hào hùng, những thành tựu nổi bật của Hà Nội trong suốt 65 năm qua, những định hướng phát triển trong thời gian tới.
Sách gồm năm phần:
- Phần mở đầu: Hà Nội đấu tranh giành chính quyền và kháng chiến chống thực dân Pháp (1930 - 1945).
- Phần thứ nhất: Hà Nội xây dựng, bảo vệ xã hội chủ nghĩa, góp phần đánh bại chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, giải phóng miền Nam - thống nhất đất nước (1954 - 1975).
- Phần thứ hai: Hà Nội cùng cả nước xây dựng Chủ nghĩa xã hôi tiến hành công cuộc đổi mới (1975 - 2008).
- Phần thứ ba: Thủ đô Hà Nội mở rộng (từ năm 2008 đến nay).
- Phần thứ tư: Phát huy truyền thống anh hùng, quyết tâm xây dựng Thủ đô Hà Nội xứng đáng là trái tim của cả nước.
14. Thủ đô Hà Nội truyền thống, nguồn lực định hướng phát triển

Năm 2015, Thành ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội phối hợp với Đại học Quốc gia tổ chức hội thảo “Thủ đô Hà Nội truyền thống, nguồn lực định hướng phát triển”. Cuốn sách “Thủ đô Hà Nội truyền thống, nguồn lực định hướng phát triển” do nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự thật xuất bản năm 2015, gồm 650 trang là bài viết của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, nhà quản lý tại hội thảo.
Các bài viết đã tập trung làm sáng rõ lịch sử, tầm vóc, ý nghĩa, bài học kinh nghiệm của cuộc Cách mạng tháng 8 ở Hà Nội và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ Thành phố trong 70 năm qua trên các lĩnh vực của đời sống xã hội làm cơ sở rút ra những bài học có giá trị khoa học và giá trị thực tiễn đối với sự nghiệp phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội hiện nay. Đồng thời, các nhà khoa học, nhà quản lý cũng đề xuất các giải pháp nhằm phát huy các nguồn lực để phát triển Thủ đô một cách bền vững. Cuốn sách giúp bạn đọc nhận thức đầy đủ thời cơ và thuận lợi cùng những thách thức và khó khăn mà Hà Nội phải đối mặt để từ đó mỗi người phấn đấu, đóng góp công sức xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại
đồng thời bồi đắp, lắng sâu hơn truyền thống người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Sách gồm 3 phần:
- Phần thứ nhất: Truyền thống lịch sử văn hóa Thăng Long - Hà Nội.
- Phần thứ hai: Nguồn lực phát triển Thủ đô Hà Nội.
- Phần thứ ba: Định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội.
15. Hà Nội - 30 năm đổi mới, phát triển (1986 - 2016)

“Hà Nội - 30 năm đổi mới, phát triển (1986 - 2016)” do Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Nxb. Hà Nội biên soạn, xuất bản năm 2017, gồm 26 chuyên đề. Mục đích nhằm cung cấp cho bạn đọc cái nhìn khách quan, toàn diện về thành tựu của Thủ đô trong chặng đường 30 năm đổi mới. Phần phụ lục với 32 trang ảnh, phản ánh một số hoạt động nổi bật của Thủ đô trước và trong thời kỳ đổi mới, làm rõ hơn diện mạo Thủ đô thời gian qua.
Sách mang ý nghĩa nhìn lại chặng đường 30 năm đổi mới của Thủ đô để rút ra những kết luận, đánh giá mang tính tổng kết có ý nghĩa lý luận và thực tiễn. Đồng thời, cũng phân tích làm rõ những thời cơ, thách thức, định hướng phát triển của Thủ đô trong thời kỳ mới, thời kỳ tiếp tục đổi mới, hội nhập sâu rộng và phát triển bền vững.
Sách gồm năm chương:
- Chương I: Một cái nhìn tổng quát.
- Chương II: Thủ đô Hà Nội trước đổi mới.
- Chương III: Những thành tựu qua hơn 20 năm đổi mới (1986 – 2008).
- Chương IV: Những thành tựu từ bước chuyển mình trọng đại (2008 – 2016).
- Chương V: Hành trang trên con đường thắng lợi.
16. Hà Nội 10 năm mở rộng địa giới hành chính (2008 - 2018)

“Hà Nội 10 năm mở rộng địa giới hành chính (2008 - 2018)” ra mắt bạn đọc nhân kỷ niệm 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12, ngày 29/5/2008 của Quốc hội (khóa XII) về việc điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan (01/8/2008 - 01/8/2018) do Sở Thông tin - Truyền thông Hà Nội và Nxb. Hà Nội tổ chức biên soạn, xuất bản.
Nội dung cuốn sách gồm 3 phần (gồm 23 bài viết):
- Phần thứ nhất: Gồm các bài viết của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo chủ chốt của Thành phố mang tính chỉ đạo, đánh giá khái quát các hoạt động phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của Thủ đô trong 10 năm qua, rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc, nêu lên định hướng và những nhiệm vụ chủ yếu của Thành phố cần triển khai, thực hiện trong thời gian tới.
- Phần thứ hai và thứ ba: Gồm các bài viết mang tính chuyên sâu, truyền tải và thể hiện được sự chỉ đạo sâu sát, năng động, sáng tạo của Đảng bộ và chính quyền các cấp đối với toàn bộ hoạt động của Thành phố, kể từ khi hợp nhất các địa phương và mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội đến năm 2018.
17. Thủ đô Hà Nội - Tầm vóc mới, vị thế mới

Giai đoạn 10 năm từ năm 2006 đến năm 2015 đã ghi những dấu ấn lịch sử đặc biệt của Thủ đô Hà Nội: Hà Nội vươn mình trong công cuộc đổi mới, Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội…
Cuốn sách “Thủ đô Hà Nội - Tầm vóc mới, vị thế mới” là một tập hợp 144 bài nói, bài viết trên các lĩnh vực của đồng chí Phạm Quang Nghị, người đã cùng Đảng bộ và nhân dân Thành phố xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại trong chặng đường 10 năm đó. Cuốn sách do nhà xuất bản Hà Nội phát hành, với 792 trang đã bao quát được vai trò của Đảng bộ Hà Nội trong công cuộc xây dựng Thủ đô, vấn đề đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, vấn đề huy động mọi nguồn lực cho sự phát triển của Thủ đô, bước phát triển toàn diện của Thủ đô sau mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội trong mối quan hệ với cả nước và bạn bè quốc tế… Và như một dấu nhấn ý nghĩa, phần cuối cuốn sách là 20 bài viết phác họa những chân dung và những mối quan tâm thường ngày từ "góc nhìn" trăn trở, tâm huyết của tác giả với Thủ đô.
Sách gồm ba phần:
- Phần một: Xây dựng hệ thống chính trị Thủ đô ngày càng vững mạnh.
- Phần hai: Để Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại.
- Phần ba: Phác họa những chân dung và những mối quan tâm hàng ngày.
18. Thăng Long- Hà Nội- truyền thống, tầm nhìn, động lực vươn tới

“Thăng Long- Hà Nội- truyền thống, tầm nhìn, động lực vươn tới” gồm một số bài viết, phát biểu, trả lời phỏng vấn của đồng chí Phạm Quang Nghị được chọn lọc, từ khi đồng chí nhận trọng trách Bí thư thành ủy Hà Nội cho đến năm 2013. Cuốn sách gồm 5 phần:
- Phần I: Đổi mới mạnh mẽ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Các bài viết tập trung làm rõ yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm và những đổi mới quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Thành ủy Hà Nội nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn phát triển Thủ đô.
- Phần II: Để Hà Nội cất cánh tới tương lai. Phản ánh tinh thần quyết liệt, năng động, sáng tạo của lãnh đạo thành phố đối với các vấn đề nóng hổi, nội cộm mà Thủ đô đang phải đối mặt …
- Phần III: Tự hào thay Thăng Long- Hà Nội. Nói lên niềm tự hào, đồng thời là trách nhiệm và nghĩa vụ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô trong việc bồi đắp và phát huy truyền thống của Thăng Long- Hà Nội.
- Phần IV: Xin nguyện cùng người vươn tới mãi. Nêu rõ quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân Thủ đô đẩy mạnh thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”
- Phần V: Chân dung những con người. Tác giả dành nhiều tình cảm trân trọng khi phác họa chân dung một số đồng chí lãnh đạo Đảng và nhà nước, văn nghệ sĩ mà đồng chí đã có cơ hội tiếp xúc, cùng làm việc.
19. Hà Nội - Cuộc kiến tạo mang hưng khí thời đại

Với tình yêu Hà Nội, nhà báo Hồ Quang Lợi đã suy tư, trăn trở và kỳ vọng về một Thủ đô phát triển xứng đáng với niềm tin yêu và kỳ vọng của cả đất nước. Tất cả những tâm huyết ấy đã được tuyển chọn in trong cuốn sách "Hà Nội - Cuộc kiến tạo mang hưng khí thời đại".
Sách do Nxb. Hà Nội phát hành năm 2014 với 443 trang, gồm 55 bài viết phản ánh dấu ấn về quy hoạch, kiến trúc, xây dựng... của Hà Nội được nhìn nhận từ góc độ văn hóa, khơi dậy niềm tin vào cuộc sống, vào giá trị văn hiến của Thủ đô Hà Nội - một Thủ đô hiện hữu với các tiêu chí "Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", sánh vai với thủ đô các nước trong khu vực và trên thế giới.
Sách gồm ba phần:
- Phần một: Cuộc sát hạch nghiêm khắc.
- Phần hai: Trên bệ phóng nghìn năm.
- Phần ba: Dòng văn hiến bất tận.
20. Thủ đô Hà Nội trong công cuộc xây dựng và phát triển
Đây là cuốn sách tập hợp các báo cáo khoa học tại hội thảo “Thủ đô Hà Nội trong công cuộc xây dựng và phát triển” do Thành ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân thành phố phối hợp với Viện Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức tháng 10 - 2004. Sách do GS. TS. Phùng Hữu Phú làm chủ biên, gồm 439 trang, nhà xuất bản Thống kê phát hành năm 2004. Sách gồm 41 bài viết, tập trung làm sáng tỏ chặng đường lịch sử 50 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của quân và dân Hà Nội, rút ra được những bài học bổ ích, nhận diện đúng những thuận lợi, tiềm năng, vị thế của đất và người Hà Nội, những khó khăn và thách thức mà Hà Nội phải vượt qua, luận giải một cách khoa học con đường phát triển của Hà Nội tới năm 2020 để Hà Nội xứng đáng là Thủ đô văn minh, hiện đại.
21. Phát triển kinh tế tri thức trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020

Hà Nội, với vai trò là Thủ đô, là trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của cả nước, cùng với những tiềm năng sẵn có, Hà Nội được coi là một trong những thành phố đi tiên phong trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tiến đến kinh tế tri thức. Nhằm cung cấp cho bạn đọc có thêm thông tin cũng như các phân tích, đánh giá, nhận định của các nhà khoa học đối với mục tiêu đạt đến một nền kinh tế tri thức ở Việt Nam mà Thủ đô Hà Nội là một bức tranh sống động, vừa có tính chất chung của cả nước, vừa có đặc thù riêng, năm 2012, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự thật xuất bản cuốn “Phát triển kinh tế tri thức trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020” do Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội tổ chức biên soạn, TS. Nguyễn Đình Dương và TS. Nguyễn Thành Công làm chủ biên, dày 478 trang.
Sách gồm 3 chương
- Chương I: Một số vấn đề lý luận cơ bản về phát triển kinh tế tri thức.
- Chương II: Đánh giá thực trạng phát triển kinh tế Thủ đô theo hướng kinh tế tri thức trong những năm qua.
- Chương III: Mục tiêu định hướng và giải pháp chủ yếu để phát triển kinh tế tri thức ở Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020.
22. Quản lý và phát triển Thăng Long – Hà Nội: Lịch sử và bài học

Cuốn “Quản lý và phát triển Thăng Long - Hà Nội: Lịch sử và bài học” do PGS.TS. Vũ Văn Quân, GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc, TS. Đoàn Minh Huấn đồng chủ biên, nhà xuất bản Hà Nội phát hành năm 2010, gồm 495 trang. Đây là công trình tổng kết lịch sử mang tính nghiên cứu cơ bản và ứng dụng đóng góp vào việc nghiên cứu Thăng Long – Hà Nội, vào công cuộc phát triển thủ đô Hà Nội xứng đáng với vị trí, vai trò và sự kỳ vọng của nhân dân cả nước. Sách tập trung vào khảo sát về quản lý hành chính nhà nước ở Thăng Long – Hà Nội, một đô thị đã sớm được lựa chọn là trung tâm chính trị, hành chính của đất nước qua các thời kỳ cho đến ngày nay.
Sách đã nghiên cứu, tìm hiểu, phân tích, đánh giá những nội dung, bài học lịch sử trong quản lý và phát triển Thăng Long – Hà Nội với tư cách trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, từ đó đề xuất các giải pháp quản lý và phát triển thủ đô Hà Nội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đây là công trình khoa học có ý nghĩa thiết thực phục vụ cho công tác quản lý và phát triển Thủ đô hiện tại và tương lai.
Sách gồm 6 chương:
- Chương I: Quản lý và phát triển Thăng Long – Hà Nội từ định đô đến xâm lược của Pháp (1010 - 1873).
- Chương II: Quản lý và phát triển thành phố Hà Nội thời kỳ Pháp thuộc (1873 - 1945).
- Chương III: Quản lý và phát triển thành phố từ sau Cách mạng tháng Tám đến giải phóng Thủ đô (1945 - 1954).
- Chương IV: Quản lý và phát triển thủ đô Hà Nội từ 1955 đến 1975.
- Chương V: Quản lý và phát triển thủ đô Hà Nội từ 1975 đến nay.
- Chương VI: Bài học về quản lý và phát triển Thăng Long – Hà Nội với vai trò trung tâm chính trị - hành chính của đất nước.
23. Phát huy tiềm lực tự nhiên, kinh tế, xã hội và giá trị lịch sử - văn hóa, phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội đến năm 2020

Cuốn sách “Phát huy tiềm lực tự nhiên, kinh tế, xã hội và giá trị lịch sử - văn hóa, phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội đến năm 2020” do GS. TS Phùng Hữu Phú là chủ biên, nhà xuất bản Hà Nội phát hành năm 2010, gồm 304 trang.
Trên cơ sở đánh giá tổng quan các tiềm năng tự nhiên, kinh tế, xã hội, các giá trị lịch sử - văn hoá của Thăng Long – Hà Nội qua 1000 năm xây dựng, phát triển; đúc kết các bài học lịch sử về sử dụng, phát huy các nguồn lực ở kinh đô - thủ đô; dự báo xu thế, khả năng, triển vọng phát triển của Hà Nội trong vài ba thập kỷ tới theo xu hướng vận động chung của thời đại, các tác giả bước đầu đề xuất một số quan điểm, định hướng, giải pháp nhằm phát huy hiệu qủa hơn nữa các tiềm năng, lợi thế để phát triển toàn diện, bền vững Thủ đô từ nay đến năm 2020.
Sách gồm 4 chương:
- Chương 1: Tiềm năng và thực trạng sử dụng các nguồn lực.
- Chương 2: Những bài học lịch sử.
- Chương 3: Thời cơ, thách thức, tầm nhìn 2020 – 2050.
- Chương 4: Trên nền tảng 1000 năm lịch sử, định hướng phát triển thủ đô bền vững, tiến kịp thời đại.
24. Ý tưởng mở rộng không gian Thủ đô Hà Nội bằng tài nguyên và trí tuệ Việt Nam

Cuốn sách “Ý tưởng mở rộng không gian Thủ đô Hà Nội bằng tài nguyên và trí tuệ Việt Nam” là một tập hợp những bài viết, những bức thư, phát biểu của tác giả Nguyễn Xuân Thảo là kết quả của sự thâm nhập vào thực tiễn, kinh nghiệm trong chỉ đạo xây dựng các kế hoạch và ý thức trách nhiệm công dân. Sách gồm 288 trang do nhà xuất bản Chính trị Quốc gia phát hành năm 2004. Sách trình bày những ý tưởng về mở rộng mạnh mẽ và đột phá Hà Nội về hướng Tây, mở ra các trục phát triển. các mạng xương cá, tháo gỡ cơ chế và phát huy tinh thần sáng tạo Việt. Sách gợi mở ra một hướng giải quyết mới, góp phần tháo gỡ những khó khăn trong việc triển khai quy hoạch, đồng thời tạo điều kiện mở mang xây dựng và phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại.
Sách gồm 2 phần:
- Phần I: Ý tưởng mở rộng không gian Thủ đô Hà Nội bằng tài nguyên và trí tuệ Việt Nam.
- Phần II: (Phụ lục) Các tham luận tại cuộc tọa đàm “Mở rộng không gian Thủ đô Hà Nội bằng tài nguyên và trí tuệ Việt Nam”.
25. Hà Nội trên đường phát triển

“Hà Nội trên đường phát triển” gồm hơn 200 tác phẩm ảnh của nhiều tác giả là những nhà báo, nhà nhiếp ảnh có tình yêu tha thiết, gắn bó với Hà Nội được thể hiện trong 4 chương của cuốn sách.
- Chương I: Hà Nội - trái tim hồng.
- Chương II: Tầm vóc mới, vị thế mới.
- Chương III: Hà Nội linh thiêng và hào hoa.
- Chương IV: Hội nhập và phát triển.
Thông qua cuốn sách đã phần nào phản ánh được thành tựu của Hà Nội đạt được trong những năm qua. Đồng thời khẳng định giá trị lịch sử, ý nghĩa thực tiễn, lâu dài của chủ trương mở rộng địa giới hành chính nhằm khai thác và phát huy mọi thế mạnh, tiềm năng để xây dựng, phát triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.