Chủ nhật, Ngày: 03/12/2023

GIỚI THIỆU CUỐN SÁCH: “CHÍNH SÁCH CẢI LƯƠNG HƯƠNG CHÍNH Ở ĐỒNG BẰNG BẮC KỲ VÀ TÁC ĐỘNG CỦA NÓ ĐẾN ĐỜI SỐNG LÀNG XÃ THỜI PHÁP THUỘC” (Trường hợp tỉnh Hà Đông)

26/05/2021 Cỡ chữ: A-   A+  In bài viết

Tác giả: Nguyễn Thị Lệ Hà
Nxb. Khoa học xã hội
Năm 2019, 395 trang

Cải lương hương chính, hương tục là một chủ trương lớn, do chính quyền thực dân Pháp và triều Nguyễn tay sai thi hành ở Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến trước năm 1945. Mục tiêu của cải lương hương chính là tổ chức lại bộ máy quản lý làng xã, thay cho cơ chế tự quản đã tồn tại từ nhiều thế kỷ trước, bằng bộ phận chức dịch do người Pháp trực tiếp quản lý, bổ nhiệm khắc phục tình trạng "phép vua thua lệ làng".

Cuốn sách "Chính sách cải lương hương chính ở đồng bằng Bắc Kỳ và tác động của nó đến đời sống làng xã thời Pháp thuộc " được tiến sĩ Nguyễn Thị Lệ Hà tiếp cận nghiên cứu cụ thể là tỉnh Hà Đông. Qua việc trình bày có hệ thống chính quyền làng xã từ cổ truyền đến khi thực dân pháp ban hành chính sách cải lương hương chính, tác giả đã phân tích rõ được những tác động của chính sách ấy đến đời sống làng xã ở tỉnh Hà Đông nói riêng với đồng bằng Bắc Kỳ nói chung, trên những lĩnh vực chủ yếu gồm; bộ máy quản lý, kinh tế, văn hóa - xã hội …

Cuốn sách gồm 2 phần với 6 chương:

* Phần thứ nhất: Chính sách cải lương hương chính của chính quyền Pháp ở đồng bằng Bắc Kỳ.

- Chương I: Hệ thống chính quyền làng xã cổ truyền ở đồng bằng Bắc Kỳ.

Bộ máy quản lý làng xã thời Nguyễn do bộ phận chức dịch và hội đồng kỳ mục điều hành. Bộ phận chức dịch đại diện cho chính quyền nhà nước phong kiến ở làng, đứng đầu là lý trưởng, chịu trách nhiệm thu các khoản sưu thuế, binh lính, ruộng đất, hộ khẩu hộ tịch, quản lý trật tự trị an … Hội đồng kỳ mục bao gồm quan lại các cấp, chánh phó tổng hay chánh phó lý về hưu, tuy là bộ máy tự quản, không chịu sự quản lý của nhà nước nhưng chi phối mọi hoạt động của làng xã và chỉ đạo bộ phận chức dịch. Chương này đề cập đến một số quy định của nhà Nguyễn đối với hoạt động của chính quyền làng xã.

- Chương II: Chính quyền Pháp với bộ máy quản lý làng xã truyền thống ở đồng bằng Bắc Kỳ.

Đến cuối thế kỷ XIX, Chính quyền Pháp bắt tay vào khai thác thuộc địa trên quy mô cả nước, đòi hỏi một đội ngũ quản lý đủ năng lực ở tất cả các cấp từ trung ương tới các làng xã. Do đó, chính quyền thực dân phải có những biện pháp can thiệp vào bộ máy quản lý làng xã thông qua các cuộc cải cách nhằm nâng cao năng lực về quản lý và lòng trung thành với nước Pháp của đội ngũ này. Chương này cũng đề cập đến “Chính sách hợp tác với người bản xứ” của Albert Sarraut, những ảnh hưởng của chính sách đến các lĩnh vực của đời sống thuộc địa trong những năm 1920.

- Chương III: Quá trình chuẩn bị và thực hiện cuộc cải lương hương chính của chính quyền Pháp.

Chương này giới thiệu bối cảnh lịch sử, nội dung chính sách cải lương hương chính của Pháp với các Nghị định, Thông tư của chính quyền thực dân cũng như các Đạo dụ của nhà Nguyễn từ giai đoạn thử nghiệm đến ba cuộc cải lương tiếp theo (vào các năm 1921, 1927 và 1941) về bộ máy quản lý, ngân sách làng xã, bảo vệ an ninh trật tự, vệ sinh, y tế đến phong tục, tập quán, tín ngưỡng.

* Phần thứ hai: Tác động của chính sách cải lương hương chính đến đời sống làng xã thời Pháp thuộc (Trường hợp tỉnh Hà Đông).

- Chương IV: Bối cảnh xã hội tỉnh Hà Đông từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX.

Tỉnh Hà Đông được thành lập năm 1904, là địa bàn đặc biệt quan trọng mang tính chiến lược về mặt quân sự, là vùng đất có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời, là vùng quê nông nghiệp có nhiều nghề thủ công phát triển. Chương này giới thiệu các giai cấp, tầng lớp xã hội ở tỉnh Hà Đông với những mâu thuẫn giữa giai cấp bóc lột và bị bóc lột, giữa nhân dân với chính quyền Pháp ngày càng gay gắt.

- Chương V: Tác động của chính sách cải lương hương chính đến bộ máy quản lý và kinh tế làng xã ở tỉnh Hà Đông từ năm 1921 đến năm 1945.

Hội đồng tộc biểu ra đời theo cơ chế tuyển cử, vừa đại diện cho họ, đại diện cho làng, nhiệm kỳ 3 năm là điều hoàn toàn mới ở nông thôn, tạo điều kiện cho xã dân tham gia công việc của làng. Tầng lớp kỳ mục lặng lẽ rút khỏi vị trí quản lý làng xã ở giai đoạn thử nghiệm, quay trở lại từ giai đoạn 2 (1927 - 1941) và chiếm vị trí quyết định và giám sát ở giai đoạn 3 (1941 - 1945) để phục vụ cho lợi ích của chính quyền. Chính quyền thực dân kiểm soát ngân sách làng xã bằng cách bắt lập sổ thu chi, bất cứ thu chi nào cũng phải có sự cho phép của chính quyền cấp trên và các làng đối phó lại bằng cách tách làng to thành hai làng nhỏ để không đủ điều kiện phải lập sổ thu chi. Chương này cũng phản ánh tình hình kinh tế xã hội ở tỉnh Hà Đông: tình trạng người dân không dám nhận ruộng vì không đủ số tiền đóng thuế dẫn đến ruộng đất bị bỏ hoang, tuy nhiên nghề tiểu thủ công nghiệp và thương nghiệp ở Hà Đồng khá phát triển với sự đóng góp không nhỏ của Tổng đốc Hoàng Trọng Phu.

- Chương VI: Tác động của chính sách cải lương hương chính đến một số hoạt động văn hóa - xã hội ở làng xã tỉnh Hà Đông từ năm 1921 đến năm 1945.

Dưới tác động tích cực của chính sách, hương ước tại các làng xã qui định: hạn chế lệ ăn uống linh đình vào các dịp khao vọng, cưới xin, tang ma; khuyến khích mở trường và cho trẻ em đi học; các hình thức xử phạt, khen thưởng động viên người dân tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở làng xã; bảo vệ nguồn nước, giữ gìn môi trường chung, phòng dịch; xóa bỏ hoặc giảm bớt hình phạt hà khắc… Tuy nhiên, trừ một số làng được xây dựng theo mô hình kiểu mẫu như Dương Liễu, Thượng Cát, Phương Trung, Thanh Liệt, Khương Thượng… còn lại đại đa số làng xã vẫn tồn tại những bất công, mâu thuẫn, lạc hậu của thời kỳ trước, không phải điều khoản nào trong hương ước cải lương cũng được nghiêm túc thực hiện.

Như vậy, công cuộc cải lương hương chính của chính quyền Pháp ở Bắc Kỳ nói chung và ở tỉnh Hà Đông nói riêng đã có những thành công và thất bại qua việc can thiệp sâu vào bộ máy quản trị làng xã nhằm chi phối, mọi hoạt động kinh tế - xã hội ở nông thôn Việt Nam.

Sách được phục vụ tại Phòng Địa chí và Thông tin tra cứu - Thư viện Hà Nội.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Số lượt xem: 2037