Thứ sáu, Ngày: 20/09/2024

GIỚI THIỆU CUỐN SÁCH “CÁC LÀNG KHOA BẢNG THĂNG LONG - HÀ NỘI”

05/09/2024 Cỡ chữ: A-   A+  In bài viết

Trong suốt gần mười thập kỷ, các triều đại phong kiến Việt Nam đã luôn coi trọng giáo dục và khoa cử, xem đây là nền tảng quan trọng để tuyển chọn nhân tài. Thăng Long - Hà Nội, với vị thế là trung tâm thi cử của cả nước, đã trở thành nơi nuôi dưỡng, rèn luyện và trau dồi tài năng cho nhiều bậc hiền triết. Vị thế này đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân Thăng Long phát triển việc học hành, thi cử, đạt được những thành tựu lớn, góp phần hình thành nên các “làng khoa bảng” sau này.

Cuốn sách “Các làng khoa bảng Thăng Long - Hà Nội” là thành quả của quá trình tìm tòi, khảo cứu công phu của PGS. TS. Bùi Xuân Đính và TS. Nguyễn Viết Chức (đồng chủ biên) trên cơ sở đề tài khoa học “Từ truyền thống của các làng khoa bảng Thăng Long - Hà Nội đến việc đào tạo nhân tài ở Thủ đô hiện nay” do Sở Văn hoá Thông tin Hà Nội (nay là Sở Văn hoá & Thể thao Hà Nội) chủ trì. Đây là một công trình nghiên cứu chuyên sâu về một kiểu làng Việt xưa - làng khoa bảng, đặc biệt các làng này lại nằm ven kinh đô Thăng Long.

Cuốn sách được NXB. Chính trị Quốc gia tái bản năm 2010, có chỉnh sửa, bổ sung và giới thiệu thêm các thành tựu khoa bảng của những đơn vị hành chính mới sáp nhập vào Hà Nội.

Nội dung cuốn sách gồm ba phần:

♦ Phần thứ nhất: Các làng khoa bảng Thăng Long - Hà Nội. Giới thiệu về truyền thống khoa bảng của Thăng Long - Hà Nội; Các làng khoa bảng Thăng Long - Hà Nội.

Theo thống kê sơ bộ, trong 43 làng có 11 người giữ chức Tể tướng, Tham tụng; 11 người làm Bồi tụng (kiêm Thượng thư); 26 người giữ chức Thượng thư; 20 người giữ chức Tế tửu và Tư nghiệp Quốc Tử Giám... Đáng chú ý, nhiều trường hợp trong cùng một gia đình có cha con, anh em cùng làm quan đại thần trong triều. Những nhân vật này đều là những người tài năng, có công trong việc tạo lập và phát triển truyền thống lịch sử văn hóa Thăng Long - Hà Nội và có nhiều đóng góp quan trọng trong việc xây dựng triều chính, phát triển đất nước.

♦ Phần thứ hai: Khảo tả về các làng khoa bảng Thăng Long - Hà Nội. Bước đầu khảo tả 29 làng khoa bảng tiêu biểu như Đông Ngạc; Tả Thanh Oai; Nguyệt Áng; Thượng Yên Quyết; Hạ Yên Quyết; Phú Thị; Bát Tràng; Tây Mỗ; Văn Điểm; Hà Lỗ... tập trung làm nổi bật những nét độc đáo riêng có của từng làng khoa bảng, điều kiện khách quan và chủ quan đã giúp các làng này sản sinh ra nhiều người con đỗ đạt, công danh vinh hiển, cũng như những tác động trở lại từ các vị khoa bảng và gia đình, dòng họ tới truyền thống của cả cộng đồng.

♦ Phần thứ ba: Một số khuyến nghị đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo nhân tài hiện nay qua nghiên cứu các làng khoa bảng. Trong đó đề cập tới những bài học của giáo dục, khoa cử Nho học từ góc nhìn các làng khoa bảng; Sự tiếp nối và “đứt đoạn” truyền thống của các làng khoa bảng từ Cách mạng tháng Tám đến nay và một số khuyến nghị nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nhân tài hiện nay…

Cuốn sách này là kết quả của nhiều tâm huyết và công phu biên soạn của các tác giả, dựa trên việc sưu tầm, khảo cứu từ nhiều nguồn tư liệu quý giá, cả từ thực địa lẫn các thư tịch cổ, đồng thời cập nhật các thông tin và số liệu đáng tin cậy nhất. Hy vọng rằng cuốn sách sẽ mang lại cho bạn đọc những kiến thức bổ ích, góp phần cổ vũ và gìn giữ truyền thống hiếu học vốn có của dân tộc ta.

Sách được phục vụ tại Phòng Địa chí và Thông tin tra cứu.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc !

Số lượt xem: 120