GIỚI THIỆU CUỐN SÁCH: “NGUYỄN PHONG SẮC - MỘT NGƯỜI CỘNG SẢN ĐẦU TIÊN CỦA HÀ NỘI”
14/02/2022
Cỡ chữ: A- A+
In bài viết

Biên soạn: Thế Tập, Đức Vượng
Nxb. Hà Nội
Năm 2002, 137 trang
Đồng chí Nguyễn Phong Sắc, tên khai sinh là Nguyễn Ðình Sắc, sinh ngày 01/02/1902 trong một gia đình có truyền thống yêu nước tại làng Bạch Mai, nay là số nhà 152 phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.
Cuốn sách “Nguyễn Phong Sắc - một người cộng sản đầu tiên của Hà Nội” do Thế Tập và Đức Vượng biên soạn, nhà xuất bản Hà Nội phát hành năm 2002 giúp bạn đọc hiểu thêm về một người trí thức tiến bộ sớm giác ngộ cách mạng, trở thành một trong những nhà lãnh đạo thuộc lớp đầu tiên của Đảng ta và là một trong những người trực tiếp lãnh đạo phong trào Xô - viết Nghệ Tĩnh.
Cuốn sách gồm 5 phần:
Dưới mái trường làng Bạch Mai: Phần này giới thiệu gia đình, quê hương và cuộc đời học sinh của đồng chí Nguyễn Phong Sắc. Thân phụ của đồng chí là ông Nguyễn Đình Phúc, người gốc làng Bạch Mai. Ông Phúc tham gia Đông Kinh Nghĩa Thục, sau khi Đông Kinh Nghĩa Thục bị giải tán, ông bị theo dõi rồi bị bắt đi đày 5 năm tại Côn Đảo. Cuộc đời học sinh của đồng chí Nguyễn Phong Sắc bắt đầu khi lên 10 tuổi học trường Dân Tiến, người thầy đầu tiên là ông giáo Ròn là cậu ruột, một người yêu nước. Sau 3 năm, đồng chí chuyển sang trường Công Ích (gần chùa Liên Phái) học bậc tiểu học ở đây rồi chuyển sang trường Bưởi.
Người trí thức yêu nước: Kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, quê hương và gia đình, đặc biệt là tấm gương của thân phụ, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã sớm mang trong mình tinh thần yêu nước và ý chí đấu tranh chống áp bức, bất công. Ðồng chí là một trong những hội viên đầu tiên ở Hà Nội của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Với nhiệt huyết cách mạng của tuổi trẻ, đồng chí đã hăng hái tham gia tuyên truyền, kết nạp hội viên, phát triển tổ chức và được cử tham gia Ban Chấp hành Tỉnh bộ Thanh niên Hà Nội ngay khi được thành lập.
Tháng 9/1928, tại Ðại hội đại biểu lần thứ nhất Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã tích cực ủng hộ và nêu gương đi đầu về thực hiện chủ trương đưa các hội viên đi "vô sản hóa", để đẩy mạnh tuyên truyền, giác ngộ công nhân, nông dân và giáo dục, rèn luyện hội viên. Những nét hoạt động nổi bật đó của đồng chí Nguyễn Phong Sắc trong tổ chức Thanh niên là điều kiện rất cơ bản để phấn đấu trở thành người cộng sản chân chính.
Người cộng sản đầu tiên của Hà Nội: Nhận thức rõ sự cần thiết phải thành lập một chính đảng của giai cấp công nhân nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của cách mạng Việt Nam, ngày 07/3/1929, đồng chí Nguyễn Phong Sắc và 7 hội viên tiên tiến của Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ đã họp bàn và quyết định thành lập Chi bộ Cộng sản gồm 8 đảng viên. Ðây là bước ngoặt đặc biệt quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí. Từ một trí thức yêu nước nhiệt thành, đồng chí đã trở thành một trong những người cộng sản Việt Nam đầu tiên ở trong nước và là một thành viên sáng lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam.
Trong phong trào Xô - viết Nghệ Tĩnh: Tại Hội nghị Ban Chấp hành trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng ngày 21/7/1929, Trung ương phân công đồng chí Nguyễn Phong Sắc và Trần Đình Cung vào phụ trách Trung Kỳ. Tình hình Trung Kỳ sau khi đồng chí đặt chân tới đã có những chuyển biến tích cực, phong trào công nhân và phong trào nông dân, phong trào học sinh phát triển theo xu hướng phối hợp cùng tranh đấu. Kỳ bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Trung Kỳ ra đời do đồng chí Nguyễn Phong Sắc làm Bí thư. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đồng chí chuyển Kỳ bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Trung Kỳ thành Kỳ bộ Đảng Cộng sản Việt Nam Trung Kỳ, đứng đầu Kỳ bộ là Xứ ủy do đồng chí Nguyễn Phong Sắc làm Bí thư. Phần này nói về những hoạt động cách mạng không ngừng nghỉ của đồng chí tại Trung Kỳ: quy tụ các tổ chức cộng sản ở Trung Kỳ vào một mối thống nhất, củng cố tổ chức Đảng ở Nghệ An và Hà Tĩnh, xây dựng tổ chức Đảng ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, phát động cuộc biểu tình tuần hành của công nông Vinh - Bến Thủy kỷ niệm ngày Quốc tế lao động…
Giữ trọn niềm tin: Phong trào cách mạng ở Nghệ Tĩnh lên cao khiến thực dân Pháp hoảng sợ tìm mọi cách khủng bố, dìm phong trào trong biển máu. 5 giờ chiều ngày Chủ nhật 03/5/1931, đồng chí Nguyễn Phong Sắc bị địch bắt tại khách sạn Nam Lai đối diện ga Hàng Cỏ. Chúng dùng cực hình tra tấn nhưng không lay chuyển được ý chí sắt đá của đồng chí. 5 giờ sáng ngày 25/5/1931, Đồng chí bị địch giải đến đồn Song Lộc thuộc Cửa Hội, Nghệ An và bị bắn tại đó.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Phong Sắc tuy không dài nhưng rất sôi động và phong phú, gắn liền với thời kỳ chuẩn bị và thành lập Đảng, gắn liền với cao trào cách mạng 1930 - 1931 mà đỉnh cao là Xô - viết Nghệ Tĩnh.
Kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Phong Sắc (01/02/1902 - 01/02/2022), nhằm tưởng nhớ và tri ân người chiến sỹ cộng sản tiên phong của Đảng và dân tộc, người con ưu tú của Thủ đô Hà Nội đã cống hiến hy sinh trọn đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc vì tự do, hạnh phúc của nhân dân, Thư viện Hà Nội trân trọng giới thiệu cuốn sách tới bạn đọc.
Sách được phục vụ tại Thư viện Hà Nội.
Ký hiệu sách: HVV3714, HVV3715, TLVV385, M90586, M90588, M93181, VV65299, VV65300