Thứ sáu, Ngày: 29/09/2023

GIỚI THIỆU CUỐN SÁCH: “BÁT TRÀNG - LÀNG NGHỀ, LÀNG VĂN”

31/01/2023 Cỡ chữ: A-   A+  In bài viết

Chủ biên: Bùi Xuân Đính
Nxb. Hà Nội
Năm 2013, 590 trang
Ký hiệu sách: HVL4106

Bát Tràng là một làng cổ bên tả ngạn sông Hồng, có quá trình phát triển gắn bó với Thăng Long - Hà Nội. Theo lưu truyền dân gian, thời điểm thành lập làng Bát Tràng là vào đầu thời Lý, đến nay người Bát Tràng vẫn ghi nhớ công ơn khai khẩn, lập làng của 23 dòng họ. Làng Bát Tràng nổi tiếng khắp cả nước với những sản phẩm gốm sứ tinh xảo. Bên cạnh đó, đây còn là một làng văn với 9 người đỗ đại khoa, trong đó nhiều người nổi tiếng trong lĩnh vực chính trị và văn học. Ngoài ra, Bát Tràng còn là làng buôn bán, với nhiều người làm nghề thuốc, dạy học; đặc biệt có nhiều người theo đuổi nghiệp võ, nghiệp binh, được sử sách ghi nhận.

Cuốn sách “Bát Tràng - Làng nghề, làng văn” do PGS. TS Bùi Xuân Đính, người có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu về làng xã làm chủ biên, nhà xuất bản Hà Nội phát hành năm 2013. Cuốn sách là công trình khoa học mang tính chất của một cuốn địa chí phản ánh lịch sử địa phương, trình bày có hệ thống những nét lớn về lịch sử hình thành và phát triển, những đặc điểm về kinh tế - xã hội và văn hóa của làng Bát Tràng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội.

Sách gồm 10 chương:
Chương 1: Điều kiện tự nhiên và sự hình thành làng Bát Tràng lý giải nguồn gốc quê quán của cư dân Bát Tràng, thời điểm cư dân Ninh Tràng - Bồ Bát ra lập cư ở ven Thăng Long, hình thành Bạch Thổ Phường và làng Bát Tràng; về dân số và địa lý hành chính của Bát Tràng qua các thời kỳ.

Chương 2: Nghề làm gốm làng Bát Tràng; Chương 3: Nghề buôn nước mắm, cau khô và các nghề khác giới thiệu nguồn gốc, cách thức sản xuất, buôn bán của các nghề gốm, nghề buôn nước mắm, cau khô, nghề làm giỏ ấm tích, nghề làm thuốc và dạy học…

Chương 4: Văn hóa vật chất phản ánh văn hóa vật chất của làng qua các phương diện ẩm thực, ăn mặc, nhà cửa, phương tiện đi lại.

Chương 5: Cơ cấu tổ chức làng xã và quan hệ xã hội truyền thống giới thiệu những đặc điểm của 7 thiết chế tập hợp người tại làng trước Cách mạng tháng Tám như gia đình, dòng họ, xóm, giáp, hội đồng kỳ mục, bộ máy chức dịch và các phường hội; về sự vận hành của thiết chế làng xã, quan hệ xã hội làng xã.

Chương 6: Các di tích truyền thống; Chương 7: Lễ tiết, hội làng và phong tục tập quán  giới thiệu các di tích chung, nhà thờ của các dòng họ; lễ tiết, hội làng và phong tục tập quán. Trong đó, đáng lưu ý có tục Lý trưởng làng lễ ngày giỗ các vị tiến sĩ, quận công với ngụ ý tỏ lòng tôn kính, nêu những gương sáng để hậu thế noi theo; tục kết nghĩa giữa làng Bát Tràng và làng Nam Dư Hạ.

Chương 8: Bát Tràng - Làng văn, làng võ cung cấp những tư liệu, hành trạng về những người đỗ từ đại khoa xuống tiểu khoa của làng, các dòng họ có người đỗ đạt, lý giải nguyên nhân làng Bát Tràng trở thành làng khoa bảng. Đồng thời giới thiệu danh sách các vị theo nghiệp võ, có nhiều đóng góp cho đất nước, được phong tước Công, Hầu, Bá.

Chương 9: Văn học dân gian Bát Tràng giới thiệu các từ riêng, tiếng riêng, các đúc kết về một số hiện tượng của đời sống người Bát Tràng; các câu chuyện văn học dân gian về các nhân vật làng Bát như: Trạng nguyên Giáp Hải, truyện họ Mai, truyện về Võ công Nguyễn Thành Giáp…; Một số ca dao, thơ, vè dân gian Bát Tràng.

Chương 10: Bát Tràng theo Đảng làm cách mạng (1943 - 2012) giới thiệu truyền thống yêu nước, hoạt động cách mạng của Bát Tràng từ trước Cách mạng tháng Tám và trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ; Bát Tràng phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công cuộc đổi mới từ sau khi đất nước thống nhất (1975 - 2021). 

Ngày nay, trong tiến trình đổi mới cùng cả nước, Bát Tràng có nhiều đổi thay lớn: nghề gốm được áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, truyền thống học hành, khoa cử được phát huy, cơ sở hạ tầng được nâng cấp, hệ thống di tích được tu bổ khang trang, các giá trị văn hóa phi vật thể được bảo tồn và phát huy giá trị… Bát Tràng đã trở thành một điểm du lịch mua sắm hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, những thay đổi đó cũng tác động mạnh mẽ tới di sản văn hóa truyền thống của làng Bát Tràng, nhiều yếu tố, giá trị văn hóa truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một. Vì vậy, cuốn sách “Bát Tràng - Làng nghề, làng văn” ra đời với ý nghĩa tôn vinh, lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống của một danh thôn tiêu biểu cho trí tuệ, tài năng và phẩm chất của con người Việt Nam tới nhân dân địa phương và cả nước.

Sách được phục vụ tại Thư viện Hà Nội.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Số lượt xem: 588